Hình ảnh đau lòng của bé Aylan Kurdi làm lay động trái tim châu Âu

ANTĐ - Hình ảnh bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, người Syria, bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trong hành trình đến đảo Kos, Hy Lạp, đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Cậu bé Aylan chỉ là một trong số 2.500 người di cư đã chết khi tìm cách vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền quá tải và không an toàn để đến “miền đất hứa” châu Âu.
Hình ảnh đau lòng của bé Aylan Kurdi làm lay động trái tim châu Âu ảnh 1

Ảnh bé Aylan nằm úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ khiến cả thế giới bàng hoàng 

Thảm kịch đau lòng

Hình ảnh đau lòng của bé Aylan Kurdi đã  tác động mạnh đến toàn thế giới. Cậu bé mặc áo phông màu đỏ, quần cộc màu xanh, đi một đôi giày không tất, nằm úp mặt trên một bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2-9. Aylan chết đuối cùng anh trai Galip, 5 tuổi và người mẹ Rihan, 35 tuổi khi gia đình họ trốn chạy khỏi thị trấn Kobane của Syria. 

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Aylan Kurdi được đưa lên một trong hai con thuyền, chở 23 người di cư từ khu vực Akyarlar thuộc bán đảo Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, tới đảo Kos của Hy Lạp. Từ đây, cả nhóm hy vọng có thể lọt vào Liên minh châu Âu. Nhưng mong ước đã không thể thành hiện thực, khi con thuyền của họ bị lật và thi thể Aylan trôi trên biển vài cây số, trước khi dạt vào bờ.

Cùng thiệt mạng với Aylan còn có vài đứa trẻ khác. Cha của Aylan, ông Abdullah Kurdi, là người duy nhất trong gia đình may mắn sống sót. Người đàn ông 40 tuổi này đã bật khóc khi tới nhận dạng thi thể vợ cùng 2 con để đưa họ về quê hương Kobane, Syria. “Chúng tôi cố gắng níu lấy chiếc thuyền. Mọi người la hét trong bóng tối. Vợ con tôi không thể nghe thấy tiếng tôi nói”, ông Abdullah kể lại. “Với cha mẹ, con cái là thứ vô cùng quý giá. Các con tôi rất tuyệt vời, chúng đánh thức tôi mỗi sáng để chơi đùa. Giờ mọi thứ đã không còn nữa” - ông Abdullah nói.

Trước khi xảy ra thảm kịch đau lòng, Abdullah từng đưa vợ con đến Thủ đô Damascus để làm thợ cắt tóc nhưng họ đã quay về Kobane cách đây 4 năm khi cuộc nội chiến sắp xảy ra. Họ sống ở đây được 3 năm thì phải bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công. Gia đình sống ở Istanbul 1 năm nhưng không tìm được công việc ổn định, tiền bạc thiếu thốn. Điều này khiến họ nghĩ đến chuyện vượt biển để tìm một cuộc sống tốt hơn.

Cả gia đình Kurdi đã xin tị nạn tại Canada, với lần nộp đơn gần đây nhất là vào tháng 6 vừa qua. Ông Abdullah muốn tới đây vì có chị gái Tima Kurdi đang sống ở         Vancouver. Tuy nhiên, đơn xin tị nạn đã bị chính quyền Canada từ chối vì thiếu giấy tờ cần thiết. “Họ không đáng phải chết. Họ đang tìm một cuộc sống tốt hơn. Tai họa không nên ập xuống gia đình họ”, bà Tima Kurdi, chị gái ông Abdullah nói trong nước mắt. 

Hình ảnh đau lòng của bé Aylan Kurdi làm lay động trái tim châu Âu ảnh 2

Dòng người di cư đi bộ từ Hungary đến biên giới Áo ngày 4-9

Áo, Đức chào đón người di cư

Gia đình bé Aylan nằm trong số hàng triệu người đang trên đường chạy trốn khỏi đói nghèo và xung đột đang tàn phá Iraq và Syria. Từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu, đã có nhiều bức ảnh đau lòng được đưa ra gây xúc động, như hình ảnh một chiếc xe đông lạnh màu trắng bị bỏ rơi bên một xa lộ ở Áo. Bên trong xe là thi thể 71 người di cư bị chết ngạt.

Thế nhưng gây chấn động nhất vẫn là ảnh chụp thi thể cậu bé Aylan nằm úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Theo báo Le Monde của Pháp, có lẽ phải đến bức ảnh này, châu Âu mới hiểu được những gì đang xảy ra, về thảm cảnh của người di cư tìm cách chạy trốn khỏi cuộc xung đột đang nhấn chìm cả khu vực Trung Đông. 

Ông Nadhim Zahawi, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh, đồng minh thân cận của Thủ tướng David Cameron, đã lên tiếng về những tác động của bức ảnh. “Chúng ta không là gì cả nếu không có lòng từ bi. Bức ảnh khiến tất cả chúng ta cảm thấy xấu hổ. Chúng ta đã thất bại ở Syria. Tôi xin lỗi thiên thần nhỏ, RIP (Hãy yên nghỉ)”, ông Zahawi viết trên Twitter. “Thảm kịch của đứa trẻ này là động lực để châu Âu thống nhất và đưa ra một kế hoạch giúp xử lý hiệu quả cuộc khủng hoảng người di cư trái phép”, Justin Forsyth, Giám đốc điều hành tổ chức Save the Children, nói với tờ Guardian. 

Trên khắp châu Âu, nhiều chính khách đã bày tỏ xúc động trước thảm cảnh và cho rằng cần phải có hành động cụ thể để cưu mang người tị nạn. Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhấn mạnh, “châu Âu cần phải hành động khẩn cấp”, còn Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi châu lục này phải tìm “giải pháp toàn diện” để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, trong đó có việc thành lập chính phủ mới ở Lybia và giải pháp hòa bình ở Syria. 

Hôm 5-9, chính quyền Áo và Đức đã mở cửa biên giới cho phép hàng nghìn người di cư vào 2 nước này sau nhiều ngày bị kẹt lại ở Hungary. Nhiều người dân Áo đã trưng biển chào đón người di cư. Nhân viên tổ chức Chữ thập Đỏ Áo đã dựng trung tâm tiếp đón người di cư, cấp cho họ thuốc men, chăn ấm và trà. “Tôi thấy như được ở nhà”, Ayaz Morad, một trong những người đầu tiên của nhóm di cư tới Áo, chia sẻ. 

Trong khi đó, nhóm người di cư đầu tiên cũng được chào đón trong tiếng vỗ tay của người dân địa phương ở Munich, Đức. “Chúng tôi chỉ muốn họ biết rằng sự tra tấn đã qua”, Hedy Gupta, một phụ nữ lớn tuổi phát chocolate và chào đón người di cư, nói. Những người di cư này sẽ được đưa đến một trung tâm tiếp nhận người nhập cư để đăng ký tỵ nạn. Sau đó, họ sẽ được cung cấp nơi cư trú tạm thời trước khi được chuyển đến nơi khác. Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 người nhập cư đến được Munich trong những ngày tới.

Trong khi châu Âu đang phải vật lộn với dòng người di cư nhiều chưa từng có kể từ Thế chiến thứ hai, thì vẫn có những tấm lòng bao dung, yêu thương đồng loại, giúp đỡ họ qua cơn hoạn nạn.