Công trình văn hóa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long:

Hiệu quả đâu chưa thấy

(ANTĐ) - Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình là hai trong số những công trình văn hóa chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sau hơn nửa năm khánh thành và đi vào hoạt động, dư luận đang đặt câu hỏi, liệu hai công trình này có phát huy hiệu quả như mong muốn hay xây xong rồi “đắp chiếu”?

Bảo tàng Hà Nội - mới xong phần “vỏ”

Hiện, bảo tàng mới chỉ hoàn thành phần “vỏ” - tức là nhà đầu tư mới chỉ kịp xong phần xây dựng và lắp đặt thiết bị, rồi mở cửa phục vụ du khách tham quan nhân dịp Đại lễ. Phần quan trọng nhất của mỗi bảo tàng là thiết kế tổng thể nội dung trưng bày, vẫn còn đang được nhà thầu là Công ty Story INC (New Zealand) chỉnh sửa hoàn thiện, trình UBND thành phố Hà Nội chờ phê duyệt (dự kiến là cuối tháng 6-2011). Như thế có nghĩa, chừng nào chưa có phương án tổng thể về trưng bày là chừng đó, phần lớn diện tích của bảo tàng vẫn phải để trống. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, các cuộc trưng bày cổ vật diễn ra tại đây đều chỉ là mang tính tạm thời, với một diện tích vừa phải để phục vụ du khách tham quan. Vì còn phải chờ phương án tổng thể, nên không thể áp dụng các kỹ thuật trưng bày hiện đại như sa bàn, mô hình, hệ thống tủ kính chịu lực… sẽ rất tốn kém.

Hiệu quả đâu chưa thấy ảnh 1 

Bảo tàng Hà Nội, cả vạn hiện vật nằm dưới
các đường ống kỹ thuật 

Theo đề xuất của Công ty Story INC thì phải mất 5 năm nữa mới hoàn thành phương án trưng bày (trong đó 2 năm viết đề cương chi tiết, 3 năm thi công thực hiện). Song theo yêu cầu từ phía UBND thành phố Hà Nội, để đẩy nhanh tiến độ, trước mắt thành phố sẽ phê duyệt từng phần của phương án, phê duyệt đến đâu, đưa vào thi công thực hiện đến đó. Nếu thực hiện theo hướng này, thì bảo tàng có thể hoàn thiện công tác trưng bày vào năm 2013. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, 60.000 hiện vật (gồm cả hiện vật sáp nhập của Bảo tàng Hà Tây) có thể đáp ứng được khoảng 80% diện tích trưng bày theo thiết kế. Số còn lại sẽ phối hợp với các bảo tàng chuyên ngành trao đổi, tổ chức trưng bày luân phiên hoặc tạo phiên bản từ hiện vật gốc…

Được thiết kế hiện đại nhất trong chuỗi các bảo tàng tại Việt Nam, song ngay khi vừa khánh thành, bảo tàng này đã phải hứng chịu khá nhiều điều tiếng, từ sự cố tràn nước ở hố thang máy công trình, hiện tượng đọng sương trên trần nhà cho tới một khoảng tròn tại sàn epoxy bị bong rộp… Tuy nhiên, trong một cuộc họp gần đây, Nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đã khẳng định có phương án xử lý kịp thời và đó chỉ là lỗi vận hành, chứ không liên quan đến chất lượng xây dựng công trình. Nhưng nhiều nhà Bảo tàng học đã tỏ ý lo ngại về độ an toàn của hiện vật khi đến thăm các kho bảo quản hiện vật của bảo tàng. Hầu hết kho bảo quản đều được thiết kế dưới tầng hầm của bảo tàng (chỉ có 2 kho được đặt trên tầng 4).

Hệ thống giá kệ chưa có, nên 60.000 hiện vật chuyển về từ chùa Hưng Ký, Bích Câu đạo quán hay từ kho của Bảo tàng Lịch sử đành phải nằm la liệt dưới sàn bê tông. Phía trên là chằng chịt các ống kỹ thuật của bảo tàng. Sự việc này khiến không ít những người thăm kho bảo quản không khỏi băn khoăn. Những hiện vật quý giá là thế, đặt ngay dưới các đường ống kỹ thuật (điện, nước, nước thải, điều hòa, thông gió) liệu có an toàn không? Liệu thiết kế tầng hầm làm kho bảo quản hiện vật đã thực sự hợp lý chưa? Đấy là chưa nói đến chuyện, kho hiện vật không chỉ đơn giản là nơi chứa đồ mà phải là nơi đảm bảo được các tiêu chuẩn quốc tế về nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống thông gió, phòng chống cháy nổ… cùng vô số các quy định nghiêm ngặt khác trong việc bảo quản đối với từng chất liệu khác nhau như giấy, vải, gỗ…

Công viên Hòa Bình dùng dằng bàn giao

Ngày 8-10-2010, Công viên Hòa Bình được khánh thành với tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng. Có một sự thật là, từ khi khánh thành cho tới nay, ngoài 2 lượt, sáng người dân gần đó vào tập thể dục, chiều vào đi bộ dạo mát… công viên Hòa Bình chưa chứng tỏ được công năng là một công viên hiện đại, chưa phát huy được những gì mà ngay từ khi bắt tay vào xây dựng, đông đảo người dân mong muốn và hy vọng. Đáng nói hơn, đây còn được coi là địa điểm “lý tưởng” để các đối tượng tệ nạn xã hội lui tới.

 Công viên Hòa Bình hiện tại

 Công viên Hòa Bình hiện tại

Hiện, việc quản lý công viên đã được UBND thành phố giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội. Song, theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hùng: “Danh chính ngôn thuận” là công ty này quản lý, nhưng cho tới giờ, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hồ sơ hoàn công. Nhà để xe ngầm với diện tích gần 3.000m2 cũng chưa được bàn giao, không có chỗ để xe cố định cho khách. Công ty cũng đã có những thử nghiệm đưa một số trò chơi đu quay, xe đạp nước, tàu điện phục vụ khách tham quan… song chỉ với quy mô rất nhỏ. Hiệu quả không cao.

Bên trong công viên là vậy, phía ngoài cổng công viên, đoạn giáp với đường Phạm Văn Đồng cũng có nhiều điều “chướng tai gai mắt”. Lòng đường bị hàng quán, các điểm trông giữ xe trái phép lấn chiếm, cản trở người tham gia giao thông. Ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, hiện Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội cũng chưa có ý tưởng gì để làm phong phú các hoạt động vui chơi giải trí ở Công viên Hòa Bình, chừng nào được bàn giao toàn bộ, lúc đó, công ty mới đề xuất ý tưởng, đầu tư và tìm đối tác đầu tư. Như thế có nghĩa, từ nay đến lúc Công viên Hòa Bình trở thành địa điểm “hút” khách của Hà Nội vẫn còn mất nhiều năm nữa.