Hiệu quả ban đầu của vaccine chống sốt rét

ANTĐ - Một nghiên cứu ở châu Phi cho thấy các thử nghiệm trên loại vaccine chống sốt rét đầu tiên trên thế giới đã giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em tại đây.

Kết quả này là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng cho loại vaccine mà nhà sản xuất - hãng dược GlaxoSmithKline coi là dấu mốc lịch sử nhằm chế ngự một trong những căn bệnh gây chết người nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, phải 3 năm nữa vaccine này mới được phổ biến do còn thử nghiệm quan trọng khác nữa là nó có tác dụng thế nào với trẻ sơ sinh và có thể miễn dịch được bao lâu. Sau đó, vaccine mới được cơ quan chính phủ châu Âu và từng quốc gia châu Phi xem xét áp dụng.

Loại vaccine mới này nhắm vào ký sinh trùng gây sốt rét đang hoành hành ở vùng hạ Sahara, châu Phi. Theo thông tin đăng tải trên tại chí Y học New England, thử nghiệm bắt đầu từ năm 2009 với đối tượng là hơn 15.000 trẻ em ở Burkina Faso, Gabon, Ghana, Kenya, Malawi, Mozambique và Tanzania. Kết quả ban đầu cho thấy vaccine này mới chỉ hiệu quả 50%, khá thấp so với nhiều vaccine thông dụng khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia nói như thế cũng đủ cải thiện đáng kể tình trạng hiện tại và có thể cứu sống hàng trăm nghìn người. Theo thống kê, mỗi năm sốt rét cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người dân khắp thế giới, 90% số nạn nhân sống ở châu Phi và phần lớn là phụ nữ mang thai, trẻ em. Được biết, đây là dự án do Công ty Glaxo kết hợp với Sáng kiến Vaccine chống sốt rét thuộc Quỹ Bill & Melinda Gates thực hiện với số vốn đầu tư dự kiến 400 triệu USD.