Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ủng hộ thi trắc nghiệm

ANTD.VN - Ngày 13-9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam chính thức bày tỏ quan điểm ủng hộ thi trắc nghiệm là hình thức phù hợp nhất cho một kỳ thi diện rộng với cả triệu thí sinh.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ủng hộ thi trắc nghiệm ảnh 1Ý kiến ủng hộ cho rằng thi trắc nghiệm giúp học sinh có kiến thức toàn diện

Thi trắc nghiệm có ưu thế áp đảo

Ngày 13-9, trao đổi với báo chí, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam  cho biết, Hiệp hội đánh giá việc Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi và tuyển sinh 2017 ngay đầu năm học là tín hiệu tốt thay vì phải chờ đến tháng 3 như các năm trước. Bên cạnh trách nhiệm tổ chức trao đổi và lắng nghe ý kiến các nhà giáo, nhà khoa học..., Hiệp hội cũng đã bày tỏ quan điểm của mình trước phương án này theo tinh thần ủng hộ.

Phân tích nguyên nhân ủng hộ triển khai thi trắc nghiệm với phần lớn các môn thi ngoại trừ Ngữ văn, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, mỗi phương pháp thi có ưu, nhược điểm riêng. Thi trắc nghiệm cho phép đánh giá bao quát diện rộng về kiến thức, đồng thời đảm bảo chấm thi khách quan. Thi tự luận giúp đánh giá năng lực tư duy cá nhân, sáng tạo của thí sinh nhưng có nhược điểm là phụ thuộc vào người chấm.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh, kỳ thi với quy mô lớn, hàng triệu thí sinh, đề thi phải xây dựng theo tiêu chuẩn nhất định thì trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với tự luận. “Nếu thi trắc nghiệm thì chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng đề thi. Chất lượng đề thi có thể khắc phục được bằng cách xây dựng ngân hàng đề thi thật tốt. Trong khi đó, thi tự luận, trong nửa tháng phải chấm hàng triệu bài thì không thể đảm bảo tất cả người chấm thi đều giỏi và chất lượng kỳ thi sẽ bị ảnh hưởng” - ông Lâm Quang Thiệp phân tích.

Có phá hỏng tư duy Toán và Lịch sử?

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, việc một số người phản đối thi trắc nghiệm môn Toán có thể là do hiểu nhầm về mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi này không phải để chọn nhân tài mà chỉ chọn ra những thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT với yêu cầu đảm bảo kiến thức cơ bản bậc phổ thông, đồng thời có thể phân loại thí sinh để giúp các trường ĐH sử dụng kết quả này trong tuyển sinh.

Ông Lâm Quang Thiệp cho rằng, nếu thi Olympic Toán thì không nên thi trắc nghiệm bởi học sinh phải đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực tư duy cao. Còn về môn Lịch sử, có ý kiến cho rằng thi trắc ngiệm sẽ khiến kiến thức Lịch sử nát vụn. “Lâu nay môn Ngữ văn, Lịch sử thi tự luận, việc chấm thi tự luận sẽ phải triệu tập nhiều giáo viên. Để đảm bảo công bằng khi chấm phải quy định barem rất chi tiết, tuy nhiên, việc làm này lại khiến việc chấm bài thi tự luận theo kiểu đếm ý tính điểm - phương pháp của chấm thi trắc nghiệm. Một đề thi tự luận không được thiết kế để chấm thi như vậy, vô hình trung ta đã biến đề thi tự luận hay thành đề thi trắc nghiệm tồi” - ông Thiệp phân tích về cách ra đề thi, chấm thi tự luận lâu nay. 

Mặc dù ủng hộ chủ trương thi trắc nghiệm nhưng bà Nguyễn Thị Phương Nga cho rằng việc ra đề thi trắc nghiệm tốt khó hơn nhiều so với ra đề thi tự luận. “Thi trắc nghiệm khách quan vẫn có thể đo lường được tư duy logic, lập luận, phân tích chọn phương án đúng. Việc Bộ GD-ĐT có đủ khả năng chuẩn hóa đề thi tốt hay không còn do Bộ tổ chức như thế nào, Bộ có huy động chuyên gia có năng lực hiểu biết để tham gia vào xây dựng đề thi không? Đề thi tốt quyết định sự thành công của kỳ thi”.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất, theo lộ trình, Bộ nên cho thi tất cả các môn theo kiểu thi tổng hợp theo hướng đánh giá kiến thức kỹ năng cơ bản, ra đề thi đúng mục tiêu thì thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản sẽ đỗ tốt nghiệp. “Học sinh nước ngoài học nhẹ nhàng nhưng về sau lại thành công hơn bởi họ có kiến thức toàn diện và năng lực tự học. Việc thi cử của Việt Nam nên điều chỉnh theo hướng này” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.