Hiệp định TPP - Vẫn còn hiệp 2 cam go

ANTĐ - Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất. Nhiều phát biểu lạc quan đã được đưa ra, nhưng hiệp đấu thứ hai - mang tính quyết định để TPP chính thức có hiệu lực - mới chỉ vừa bắt đầu.

Hiệp định TPP - Vẫn còn hiệp 2 cam go ảnh 1Vẫn còn không ít ý kiến hoài nghi về TPP

Những kỳ vọng lớn lao

Là hiệp định thương mại tự do lớn nhất toàn cầu, TPP đang được tất cả 12 nước tham gia kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi to lớn. Rõ rệt nhất là phản ứng tích cực từ 2 nền kinh tế hàng đầu trong TPP là Mỹ và Nhật Bản. Một ngày sau khi đàm phán TPP hoàn tất, Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp giới chức lãnh đạo các doanh nghiệp công thương và nông nghiệp tại trụ sở Bộ Thương mại Mỹ ở Thủ đô Washington.

Tại đây, ông Obama tái khẳng định những lợi ích mà TPP mang lại cho nền kinh tế số một thế giới này. Theo đó, TPP sẽ giúp xóa bỏ hoặc giảm hơn 18.000 loại thuế khác nhau mà các nước thành viên đang áp dụng lên các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa Mỹ trên thị trường quốc tế cũng sẽ giảm, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Mỹ.

Hồi cuối tháng 9, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Obama đã nói: “Chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua những giao dịch thương mại với một tiêu chuẩn cao hơn. Và đó chính là điều chúng ta đang làm thông qua TPP - một thỏa thuận với sự tham gia của các thành viên chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu, một thỏa thuận sẽ mở cửa các thị trường trong khi vẫn bảo vệ quyền của các công nhân và bảo vệ môi trường để có sự tăng trưởng bền vững”. 

Tương tự như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên tiếng hoan nghênh việc hoàn tất đàm phán TPP, gọi đây là một “thỏa thuận mang tầm vóc rộng lớn”. Phát biểu trước báo giới tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Abe đánh giá thỏa thuận thương mại này là một “thành tựu lớn đối với tương lai của không chỉ Nhật Bản mà còn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung”. Giới phân tích thì cho rằng TPP có ý nghĩa hết sức đối với Thủ tướng Abe.

Để cố gắng hoàn tất TPP, ông Abe buộc phải chịu trách nhiệm về một số lợi ích của Nhật Bản, bao gồm cả việc vận động trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng TPP sẽ giúp Nhật Bản tiến hành các cải cách cơ cấu cần thiết giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó chính là điều mà ông Abe rất cần hiện nay. Tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản đã giảm 1,2% trong quý II năm nay và các số liệu cho thấy tình hình kinh tế quý III sẽ không khả quan hơn và Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng suy thoái. 

Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ 

Latinh, thậm chí còn dẫn ra một con số đáng kinh ngạc hơn liên quan tới TPP. Theo đó, với Hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu của Mexico sẽ tăng thêm 150 tỷ USD trong 5 năm tới, chủ yếu ở các lĩnh vực chế tạo xe hơi, điện tử, hóa chất, sản xuất thép... Giới doanh nghiệp thì kỳ vọng TPP sẽ mở ra không gian mới cho ngành chế tạo Mexico, nhất là các thị trường ở châu Á và hy vọng ngành chế tạo Mexico sẽ tăng trưởng ít nhất từ 20% đến 30% ngày năm đầu tiên khi TPP có hiệu lực.

Hiệp đấu cam go

Mặc dù quá trình đàm phán kéo dài 5 năm ròng rã đã hoàn tất, nhưng cuộc chiến TPP vẫn còn trước mắt để được toàn bộ 12 quốc gia thành viên phê chuẩn. Tại Mỹ, Canada, Australia và nhiều nước, hiện vẫn còn không ít tiếng nói phản đối TPP. Tại Mỹ, TPP vẫn cần phải vượt qua các rào cản về thủ tục và chính trị. Theo quy định, Quốc hội Mỹ sẽ dành ra 90 ngày để quyết định có thông qua TPP hay không, điều này đồng nghĩa với việc ông Obama sẽ không thể ký Hiệp định này trước tháng 1-2016 hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Cùng với các thủ tục khác, có thể đến giữa năm 2016, TPP mới được chính thức thông qua ở Quốc hội Mỹ.

Tổng thống Obama từng dựa vào sự ủng hộ của phe Cộng hòa để giành được “quyền đàm phán nhanh”, điều kiện cần có từ Quốc hội để đẩy nhanh quá trình đàm phán TPP. Vấn đề lớn nhất đối với ông Obama hiện nay có thể là phe Cộng hòa không hài lòng với những nhượng bộ mà các nhà đàm phán Mỹ đã đưa ra trong những ngày gần đây, như loại ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá ra khỏi các cuộc tranh cãi về đầu tư, chấp nhận thời gian bảo hộ ngắn hơn đối với các sản phẩm sinh dược, hay một số vấn đề nhạy cảm khác.

 “Cuộc chiến” tiếp theo về TPP lại diễn ra trong bối cảnh các ứng cử viên Tổng thống đang đẩy mạnh chiến dịch tranh cử, và Donald Trump - ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa - không ngừng nhấn mạnh quan điểm bảo hộ nền công nghiệp Mỹ. Hồi đầu năm, ông trùm bất động sản này tuyên bố: “TPP là một mũi dao chĩa vào lĩnh vực thương mại và kinh doanh của Mỹ. Đây là một thỏa thuận tồi tệ”. 

Tình thế ở Canada cũng “gay go” không kém. Thủ tướng Canada Stephen Harper chuẩn bị bước vào một cuộc bầu cử cam go, dự kiến diễn ra vào ngày 19-10. Trong chiến dịch tranh cử, các cuộc đàm phán TPP là một trong những chủ đề kinh tế gây tranh cãi. Ông Tom Mulcair, người đứng đầu Đảng Dân chủ Mới, cam kết sẽ không chấp nhận TPP nếu đảng của ông giành chiến thắng vào ngày 19-10 tới. Tại Nhật Bản, sự ủng hộ giành cho Thủ tướng Shinzo Abe liên tục sụt giảm. Dư luận cho rằng quá trình kêu gọi Quốc hội Nhật Bản thông qua TPP cũng sẽ không hề suôn sẻ. Kỳ họp thông thường năm 2015 của Quốc hội Nhật Bản đã kết thúc nên trong trường hợp muốn thông qua TPP ngay trong năm nay, cơ quan này phải triệu tập kỳ họp đặc biệt.

Nhưng ngay cả khi đó, TPP vẫn phải xếp hàng sau hàng loạt vấn đề quan trong khác như phê chuẩn danh sách nội các cải tổ, cải cách tư pháp, dự toán ngân sách… Nhiều khả năng Quốc hội Nhật Bản chỉ có thời gian xem xét TPP từ tháng 4-2016. Nhưng đây sẽ là thời điểm bất lợi đối với Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abe bởi chỉ hai tháng sau đó là cuộc bầu cử Thượng viện. Theo TPP, Nhật Bản buộc phải giảm thuế đánh vào hàng nông sản để đổi lấy những lợi ích kinh tế khác. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để các đảng đối lập khai thác.