Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu: Việt Nam đã khai thác được gì?

ANTD.VN - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) đạt 1,77 tỷ USD, tăng  10%, xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%. 

Hàng dệt may xuất khẩu tận dụng được ưu đãi từ EAEU FTA

Được chính thức ký kết vào ngày 29-5-2015, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) được đánh giá là cơ hội lớn cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EAEU.

Theo cam kết tại VN - EAEU FTA, về tổng thể hai bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương hiện tại. Đây là cơ sở để thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 2 năm EAEU có hiệu lực, hiêp định thương mại này đã góp phần tăng trưởng xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam cũng như EAEU.

Năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, tăng  10%, xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%.

Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

8 tháng đầu năm 2017, thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã tăng trên 29% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 37%, xuất khẩu của Liên minh tăng 18%. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các ưu đãi từ FTA này. Cụ thể, từ khi VN - EAEU FTA có hiệu lực cho đến cuối tháng 7-2017, Việt Nam đã cấp 9.908 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV (C/O EAV) cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU với tổng kim ngạch đạt 354,3 triệu USD, chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, điện thoại và linh kiện.

"Nói chung tỷ lệ sử dụng C/O EAV không cao (khoảng 20%). Các mặt hàng có tỷ lệ tận dụng C/O EAV cao để xuất khẩu sang EAEU bao gồm: giày dép (54,3%), rau quả (59,2%), thủy sản (69,1%), gạo (69,3%), hạt tiêu (75,5%) và dệt may (76,1%)"- đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Trong khi đó, về nhập khẩu từ EAEU, các dòng hàng nhập khẩu áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam có xu hướng tăng.

Chỉ 3 tháng cuối năm 2016, có 25 dòng hàng có kim ngạch nhập khẩu theo Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EAV với tổng kim ngạch khoảng 44 triệu USD, tương đương khoảng 12% của tổng kim ngạch nhập khẩu từ EAEU.

Và 7 tháng đầu năm nay, các con số này đã tăng vọt lên 65 dòng hàng với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 305 triệu USD, tương đương trên 23%.

Theo các chuyên gia, dư địa cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang liên minh còn rất lớn, đặc biệt là với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: nông sản, thủy sản, dệt may, da giày...

Song để tận dụng được các ưu đãi này, các doanh nghiệp không chỉ cần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mà còn phải quan tâm tới xuất xứ hàng hóa, cạnh tranh, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật. Nếu bỏ qua các yêu cầu này, hàng nhập khẩu từ EAEU tràn vào Việt Nam sẽ ngày càng lớn.