Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: Doanh nghiệp Việt dường như chưa sẵn sàng

ANTĐ - Tỷ lệ doanh nghiệp biết về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự dovới Liên minh châu Âu (EVFTA) cao, đồng thời các doanh nghiệp cũng lạc quan về các tác động cũng như có tính toán để tận dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá rằng, doanh nghiệp có thể chưa sẵn sàng.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: Doanh nghiệp Việt dường như chưa sẵn sàng ảnh 1

Nhiều thách thức chờ đón doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia

các hiệp định thương mại tự do

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, hai hiệp định thương mại nêu trên không chỉ đề cập vấn đề thâm nhập thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư truyền thống mà còn đề cập cả những vấn đề mới chưa từng được nhắc đến hoặc chưa được giải quyết thấu đáo trong các hiệp định ký kế trong khuôn khổ WTO như thương mại điện tử, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

“Hơn nữa, các hiệp định thương mại mới cũng thiết lập các luật chơi quốc tế và các luật chơi đó sẽ tác động mạnh hơn lên các chính sách và thể chế trong nước so với bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào đã ký trước đây”, bà Kwakwa khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, các hiệp định này cũng đi kèm với một số thách thức đáng kể, nếu khòng thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ. Vấn đề cốt lõi trong khai thác các hiệp định thương mại là khâu thực hiện.

“Trong bối cảnh một nền kinh tế quá độ như Việt Nam thì giữa cam kết quốc tế và luật pháp trong nước vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn, đây chính là một thách thức đặc biệt. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tập trung công sức để đánh giá, sửa đổi, điều chỉnh văn bản luật, thủ tục quản lý nhà nước và khung thể chế xuyên suốt nhiều ngành kinh tế khác nhau”, bà Kwakwa nhận định.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, qua điều tra 1.500 doanh nghiệp sản xuất VCCI đã đưa ra kết luận rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng hơn cho 2 hiệp định trên nhưng chưa đủ sẵn sàng”.

Phân tích rõ hơn về kết luận nêu trên, bà Trang cho biết, sẵn sàng hơn ở chỗ doanh nghiệp đã biết về 2 hiệp định nhiều hơn trước kia. Các doanh nghiệp đánh giá lạc quan một cách tỉnh táo về tác động và đã bắt đầu có hành động để chuẩn bị tận dụng các hiệp định thương mại tự do như kế hoạch cải thiện sản xuất, dự kiến tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu...

Tuy nhiên, đại diện VCCI cũng cho rằng: “Doanh nghiệp chưa đủ sẵn sàng cho TPP và EVFTA bởi cam kết rất phức tạp, đơn cử như nội dụng của các hiệp định với 30 chương gồm 1.200 – 6.000 trang văn bản, ngôn ngữ hàn lâm. Một vấn đề có thể được nêu ở nhiều cam kết, nhiều thuật ngữ mới kể cả trong bản dịch. Ngoài ra, các hướng dẫn đã có nhưng vẫn còn quá ít, chưa có hưỡng dẫn TPP trong các lĩnh vực cụ thể”.

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập còn chỉ ra một số cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội và cải thiện năng lực sản xuất như thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan nhà nước, chính sách thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, tay nghề lao động.