Hiện thực hóa giấc mơ quốc gia khởi nghiêp

ANTD.VN - Theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN), Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2017, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 92 thương vụ đầu tư với tổng số vốn 291 triệu USD. Với số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư quá khiêm tốn như vậy, bao giờ Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia khởi nghiệp?

Hiện thực hóa giấc mơ quốc gia khởi nghiêp ảnh 1Nhiều nhóm khởi nghiệp sáng tạo đang kêu gọi các quỹ đầu tư

Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo: Quá khiêm tốn

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hiểu là doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN cho biết, năm 2017, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; 40 vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 40 khu làm việc chung, tăng lên so với năm 2016.

Tuy vậy, việc đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo còn rất khiêm tốn. Năm 2017, cả nước chỉ có 92 thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, với số vốn là 291 triệu USD, trong khi năm 2016, con số lần lượt là 50 thương vụ và 205 triệu USD. “Giá trị đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam thấp hơn so với khu vực. Rất ít công ty thu hút được đầu tư vài chục triệu USD. Năm 2017, các nước khu vực ASEAN thu hút 7,86 tỷ USD vào khởi nghiệp”, bà Phan Hoàng Lan cho biết.

Một điểm đáng chú ý khác là mặc dù “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, song định hướng đổi mới trong hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam lại rất thấp. Theo Tiến sĩ Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số đổi mới ở các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam là 13,9%, chỉ xếp thứ 48/54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp ở nước ta trong những năm gần đây chủ yếu là phục vụ người tiêu dùng (năm 2017, lĩnh vực này chiếm 74,8%), nhưng ở các nước tham gia khảo sát khởi nghiệp dựa trên hiệu quả và đổi mới, lĩnh vực phục vụ doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. 

TS. Nguyễn Quân, Hội trưởng Hội Tự động hóa Việt Nam cũng nêu lên tình trạng, nhiều nhóm khởi nghiệp gọi vốn thành công nhưng do nguồn vốn chủ yếu từ các quỹ đầu tư nước ngoài nên khi thành lập doanh nghiệp lại phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)… nên số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa nhiều và chưa có môi trường thực sự thuận lợi để phát triển.

“Người bạn” song hành với khởi nghiệp: Mạo hiểm, thất bại

Theo TS. Nguyễn Quân, sở dĩ phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam còn nhiều khó khăn là do hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là do còn thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trên thực tế, năm 2009, quy định việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm đã được đề cập trong Luật Công nghệ cao và năm 2016 được nói đến trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng đến nay, quy định này vẫn chưa khả thi do vướng quy định của một số Luật hiện hành như: Bộ luật Hình sự; Luật Ngân sách Nhà nước…, và cũng chưa có văn bản hướng dẫn dưới luật.

Năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt “Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam - VSV”. Đề án có mục tiêu thúc đẩy thương mại hóa những công nghệ ưu tiên thuộc các lĩnh vực năng lượng, y sinh, cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông. Đến nay, đã có nhiều nhóm nhận được đầu tư, trong đó có một số nhóm được nhà đầu tư định giá là 1,8 triệu - 2 triệu USD, các nhóm còn lại đang trong quá trình đàm phán với các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài. VSV có thể coi là bước thử nghiệm để Chính phủ xây dựng một đề án cấp quốc gia thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 

“Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng nếu đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách Nhà nước mà không thành công thì cũng rất gần với tội tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Nếu đầu tư mạo hiểm sử dụng nguồn tài chính ngoài Nhà nước thì cũng dễ bị quy chụp là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có tư duy chấp nhận thất bại, ngay cả ở diễn đàn Quốc hội cũng có người đòi hỏi 100% các đề tài nghiên cứu hay các dự án khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước phải thành công, phải được ứng dụng (không bỏ ngăn kéo). Đây là một thách thức vì tỷ lệ thành công của các nghiên cứu này chỉ xung quanh 20%. Vì vậy, song hành với việc cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, Nhà nước cần thử nghiệm để xây dựng cơ chế vận hành loại quỹ này cho phù hợp với thể chế”, TS. Nguyễn Quân nêu quan điểm. 

Kinh nghiệm từ quốc gia khởi nghiệp sáng tạo Israel cho thấy, khắp nơi trên đất nước, người ta đều thấy tinh thần doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Đất nước này chấp nhận sự thất bại trong kinh doanh. Văn hóa của Israel nằm ở 3 yếu tố then chốt: có sáng kiến, chấp nhận rủi ro và tốc độ. Hay như Singapore, sau 50 năm, đất nước này trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập bình quân đầu người vào loại cao nhất thế giới, mà một trong những yếu tố thành công của các quốc gia này chính là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với đầu tư mạo hiểm.

TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Nếu Nhà nước không dám đầu tư mạo hiểm thì sẽ không xây dựng được căn cứ pháp lý và cơ chế vận hành cho hoạt động này, kéo theo đó là tạo ra tâm lý e ngại khiến các thành phần kinh tế khác cũng không dám đầu tư”.

Quốc gia khởi nghiệp: Bao giờ thành hiện thực?

Năm 2016, Chính phủ đã chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Để hiện thực hóa điều này, Chính phủ cũng đã ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với nhiều điều khoản mang tính đổi mới, như việc cho phép sử dụng một phần ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, song đến nay, bao giờ Việt Nam thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp vẫn là câu hỏi lớn.

Theo TS. Nguyễn Quân, nhờ chủ chương phát triển khoa học và công nghệ của Chính phủ mà một số doanh nghiệp Việt Nam đã khởi nghiệp thành công từ các viện nghiên cứu, các trường đại học. Tuy nhiên, “họ mới chỉ như đốm lửa nhỏ, chưa thể thúc đẩy một phong trào start-up lan tỏa trong cộng đồng. Vì vậy, chưa đáp ứng được mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 5.000 doanh nghiệp KH-CN, như Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam kỳ vọng” - Hội trưởng Hội Tự động hóa nói.

Để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh, khích lệ việc hình thành các doanh nghiệp dựa trên trí tuệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Và như vậy, cần tạo ra “vườn ươm” để các “hạt giống” có điều kiện nảy mầm tốt nhất; Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cần được Nhà nước đứng ra xây dựng để đảm bảo tính ổn định và sẵn sàng, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, cần thí điểm cho ra đời và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách Nhà nước, thí điểm xây dựng trường đại học khởi nghiệp theo mô hình liên kết cung - cầu và thương mại hóa tài sản trí tuệ, tiến tới xây dựng thành phố khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp.

“Năm 2017, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; 40 vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 40 khu làm việc chung, tăng lên so với năm 2016. Tuy vậy, việc đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo còn rất khiêm tốn. Năm 2017, cả nước chỉ có 92 thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, với số vốn là 291 triệu USD, trong khi năm 2016, con số lần lượt là 50 thương vụ và 205 triệu USD. Giá trị đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam thấp hơn so với khu vực. Rất ít công ty thu hút được đầu tư vài chục triệu USD. Năm 2017, các nước khu vực ASEAN thu hút 7,86 tỷ USD vào khởi nghiệp”. 

Bà Phan Hoàng Lan (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ)