Hiến pháp phải trở thành nền móng bền vững

ANTĐ - Chiều 4-8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Về chế độ chính trị, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; làm rõ cách sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện (cơ quan quyền lực nhà nước) và cơ chế dân chủ trực tiếp. Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để mỗi cơ quan thực thi có hiệu lực chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn…

Hiến pháp cũng khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền con người; sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân có tính khả thi để phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Đồng thời, khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, thực hiện quyền giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...

UBTVQH kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch. Về các mốc thời gian quan trọng, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết “Phấn đấu trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm năm 2012, sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân khoảng 2 tháng, từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2013. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dự án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào giữa năm 2013”...

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của ĐBQH thống nhất với mục đích, yêu cầu, quan điểm và định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, đề nghị Hiến pháp phải đưa ra tư tưởng lớn có tính chiến lược, lâu dài làm nguyên tắc để Hiến pháp trở thành nền móng bền vững của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp chỉ nên định hướng nguyên tắc, không nên quy định quá cụ thể như luật...

Cuối giờ chiều 4-8, Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình Biển Đông.