Hiến nội tạng không cần sự đồng ý của gia đình

ANTD.VN - Em trai tôi 30 tuổi, khỏe mạnh bình thường. Do mẹ bạn gái bị suy thận khá nặng nên em tôi đồng ý hiến thận cho bà. Gia đình tôi không đồng tình với việc này vì cho rằng việc cho đi một quả thận sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người hiến. Xin hỏi, em trai tôi có quyền tự quyết định trong việc hiến tạng không, quy định hiện hành về vấn đề này ra sao? Bùi Đình Nghĩa (Hải Phòng)

Hiến nội tạng không cần sự đồng ý của gia đình ảnh 1Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Trả lời: 

Theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

Bên cạnh đó, Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng ghi nhận về Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Đối với trường hợp của gia đình bạn, em trai bạn nếu có đủ các điều kiện trên thì có thể hiến thận của mình cho bất cứ người nào mà không cần sự đồng ý của gia đình. Việc hiến xác hay nội tạng dựa trên tinh thần tự nguyện, nên sẽ không có chế độ bồi dưỡng cụ thể nào bằng tiền hoặc hiện vật. Đơn xin hiến tạng không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Người đã đăng ký hiến có thể thay đổi quyết định bất kỳ lúc nào.

Tuy vậy, người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người sẽ có một số quyền lợi như: Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;  Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế... Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ tài chính về khám sức khỏe định kỳ và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến bộ phận cơ thể người.