Hiến mô, tạng ở Việt Nam: Mong mỏi những người “truyền sự sống”

ANTĐ - Ở Nhật Bản có không ít trường hợp bệnh nhân suy thận nằm trong danh sách chờ đến 17, 18 năm hoặc hơn mới có thận để ghép. Còn ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…từ nguồn hiến tặng mô, tạng quốc gia. Việc đem đến sự sống cho người khác bằng việc hiến tặng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não là việc làm vô cùng cao đẹp nhưng thực tế chưa nhiều người sẵn sàng làm được điều đó. 

Hiến mô, tạng ở Việt Nam: Mong mỏi những người “truyền sự sống” ảnh 1Ông Nguyễn Hoàng Phúc là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến tạng 

Mòn mỏi chờ ghép tạng

Hiện nay ở nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để tiếp tục duy trì sự sống song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng hiến tặng để ghép. Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi hết sức đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. 

Theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 30-6-2014, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: Ghép thận (±1.011 ca), ghép gan (37 ca), ghép tim (11 ca), ghép thận - tụy (1 ca), ghép giác mạc riêng BV Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca. Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... 

Có thể nói rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Tuy nhiên, nguồn hiến mô, tạng cực kỳ hiếm, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì thế ở Nhật, có không ít trường hợp bệnh nhân suy thận phải chờ đến 17, 18 năm hoặc hơn trong danh sách chờ ghép quốc gia mới có thận để ghép. Còn ở Việt Nam, có nhiều người còn phải chờ lâu hơn thế. 

Chia sẻ những khó khăn đó, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế nói: “Khó khăn rất rõ là cung và cầu chưa phù hợp. Người yêu cầu được chỉ định ghép tạng thì rất nhiều, chủ yếu là những người bị suy gan, suy tim, suy thận… nhưng số người thích hợp để hiến tạng lại không đáng kể. Chính vì lẽ đó, Bộ Y tế cho rằng trước hết phải vận động cho tất cả mọi tầng lớp chính trị xã hội hiểu được về ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của việc hiến ghép mô tạng để chia sẻ cuộc sống, để cùng giành giật cuộc sống cho những người nếu như không được thực hiện kỹ thuật ghép tạng thì chắc chắn họ sẽ tử vong”.

Khơi dậy việc làm ý nghĩa, cao đẹp

Trước thực trạng đó, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29-6-2013 nhằm góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, thúc đẩy việc hiến tặng mô, tạng và quản lý, điều phối việc lấy, ghép bộ phận cơ thể của người hiến; thực hiện việc quản lý, lưu trữ các thông tin liên quan đến hiến, lấy, ghép mô, tạng; điều phối kết hợp giữa nhu cầu của những người cần được ghép với khả năng cung cấp mô, tạng của các ngân hàng mô và của các cơ sở y tế. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, từ ngày thành lập đến nay, riêng tại trung tâm đã có gần 200 người trực tiếp tìm hiểu và đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc hiến tặng sau khi chết, chết não. 

“Không giống như hiến máu, hiến giác mạc sau khi chết đã khó nhưng hiến mô, tạng còn khó khăn hơn rất nhiều. Tâm nguyện làm việc thiện hầu như ai cũng có, đặc biệt người Việt Nam ai cũng thấm truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Việc đem đến sự sống cho người khác bằng việc hiến tặng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não là việc làm vô cùng ý nghĩa và cao đẹp. Nhưng thực tế không phải ai cũng sẵn sàng làm được điều đó trong lúc này”, ông Phúc bày tỏ. 

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho rằng: “Thực trạng bây giờ là người chết não nhiều nhưng thực tế không thực hiện được việc hiến-tặng, do người dân chưa hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc làm này”.

Vượt qua những trở ngại

Một trở ngại khác không chỉ ở Việt Nam mà còn phổ biến trên thế giới, đó là chuyện thủ tục. Không hẳn người tình nguyện đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, chuyện ghép tạng sẽ diễn ra suôn sẻ vì khi người đó chết, nếu người nhà không thông báo hoặc kể cả khi nhận được tin báo, cán bộ y tế đến nhưng chỉ một người trong họ hàng không đồng ý, phản đối thì không thể lấy được.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hoàng Phúc  cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người Việt về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao, sự hiểu biết về chết não còn hạn chế và đặc biệt, quan niệm về cái chết toàn thây còn nặng nề, do đó cần có sự tuyên truyền tích cực, rộng rãi trong cộng đồng, xã hội, trong đó các nhà tâm linh giữ một vai trò hết sức quan trọng.

Trong cuộc đời, sinh có hẹn, tử bất kỳ nhưng nếu ai đó quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng, họ sẽ mang lại cơ hội cứu sống biết bao nhiêu người bệnh. Hơn thế, khi một người ra đi với ý nguyện hiến tặng mô, tạng cho đời thì người đó thực sự “sống mãi” trong niềm yêu thương, tôn kính của người đời và việc làm đó chính là đã viết lên một câu chuyện cổ tích hiện đại.

Còn nhớ không lâu trước đây, câu chuyện “đôi mắt Việt Mỹ” viết về một người con gái bị tai nạn ở Mỹ đã có nguyện vọng hiến tặng giác mạc sau khi chết cho bất kỳ ai đã thực sự gây xúc động trong xã hội. Người mẹ của cô gái thực hiện di nguyện này của con mình và cặp giác mạc đã đi nửa vòng Trái đất tới Việt Nam ghép thành công cho 2 người. Chính bà mẹ đó đã khóc rưng rưng khi bất ngờ gặp lại hình ảnh con gái bà hiện hữu trong đôi mắt của hai người được ghép tặng như một câu chuyện thần kỳ.

“Nếu một người khi còn sống đã thể hiện tâm nguyện sẵn sàng hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não thì hành động đó phải là hành động của một người đầy quả cảm, nhân ái và trí tuệ và những người thân của người đó không thể không tự hào, hãnh diện. Nói rộng hơn, nếu trong cộng đồng, xã hội có càng nhiều người hiến tặng hoặc đăng ký hiến tặng thì cộng đồng, xã hội đó sẽ an bình biết bao nhiêu và biết bao người bệnh sẽ có cơ hội được sống lại cuộc đời thứ hai sau khi nhận được mô, tạng để ghép”, ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết thêm, ai cũng có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não) miễn đủ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, không phân biệt giới tính, tôn giáo, vùng miền hay địa vị xã hội… Dù là tổng giám đốc một ngân hàng lớn hay một người giúp việc, công nhân…, miễn là có tâm nguyện và tự nguyện thì hãy đăng ký. “Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não”, ông Phúc nhắn nhủ.