Hiến máu thế nào để có lợi cho chính bản thân và cộng đồng?

ANTD.VN - Nếu bạn đang có ý định hưởng ứng lời kêu gọi hiến máu nhân đạo để chung tay khắc phục sự khan hiếm máu điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hãy tham khảo một số kiến thức cần biết để việc làm có ý nghĩa này đạt hiệu quả cao nhất.

Hiến máu thế nào để có lợi cho chính bản thân và cộng đồng? ảnh 1

Các bác sĩ tại Viện Huyết học Trung ương tham gia hiến máu cứu người trong tình hình nhóm máu O đang khan hiếm

Phân loại các nhóm máu

Trong quá trình phát triển, con người luôn tự điều chỉnh cơ thể sao cho phù hợp với những tác động bên ngoài và bảo vệ bản thân khỏi bệnh tật. Bởi vậy, theo các nhà khoa học, đây là nguyên nhân chính hình thành sự đa dạng các nhóm máu. Ví dụ, những người thuộc nhóm máu O thường có sức đề kháng với virus bệnh sốt rét tốt hơn so với những người thuốc nhóm máu AB. Đó là lý do mà nhóm máu O khá phổ biến ở Châu Phi và những nơi từng xảy ra dịch bệnh này.  

Máu con người được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau, dựa trên các chất carbohydrate và protein đặc thù có trong hồng cầu. Trên thế giới, người ta phát hiện được khoảng 46 nhóm máu tất cả, nhưng các nhóm O, A, B và yếu tố Rhesus (Rh) vẫn được coi là những nhóm máu chính.

Về nhóm máu A, đây là nhóm máu đặc trưng bởi cấu tạo gồm kháng nguyên A trong hồng cầu và kháng thể B trong huyết tương. Nhóm A có thể được truyền an toàn đối với những người cùng nhóm máu và thuộc nhóm AB, đồng thời cũng có thể tiếp nhận máu từ nhóm O.

Nhóm máu B là một nhóm tương đối hiếm, với kháng nguyên B trong tế bào hồng cầu và kháng thể A (tính chất chống lại kháng nguyên A) trong huyết tương. Tương tự như nhóm A, những người mang nhóm máu B có thể hiến tặng máu cho những người cùng nhóm và thuộc nhóm AB, đồng thời cũng tương thích để tiếp nhận máu từ nhóm O.

Nhóm máu AB từ trước đến nay vẫn được xem là nhóm máu hiếm nhất. Đặc trưng khiến nhóm này khác biệt nằm ở cấu trúc hồng cầu có chứa cả kháng nguyên A và B, nhưng lại không chứa kháng thể trong huyết tương. Nhóm máu AB có thể tiếp nhận máu từ các nhóm khác tuy nhiên, với cấu tạo đặc biệt của mình, người thuộc nhóm AB chỉ có thể hiến tặng máu cho những người cùng nhóm máu.

Trái ngược hoàn toàn với nhóm AB, nhóm máu O lại là nhóm máu phổ biến nhất thế giới. Cấu tạo nhóm máu này cũng đối lập với AB, khi không có kháng nguyên trong hồng cầu nhưng lại mang cả kháng thể A và B trong huyết tương. Điều này đã khiến nhóm máu O trở nên tương thích để hiến tặng các nhóm máu còn lại, nhưng lại chỉ có thể tiếp nhận máu từ người cùng nhóm.

Những điều nên biết khi tham gia hiến máu cứu người

Đầu tiên, về tiêu chuẩn đối với người hiến máu:

- Sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm.

- Độ tuổi: nữ từ 18-55 tuổi, nam từ 18-60 tuổi. 

- Cân nặng tối thiểu từ 45 kg.

Thứ hai, trước khi tham gia hiến máu, cần:

- Đảm bảo giấc ngủ và chế độ dinh dưỡng.

- Tiến hành xét nghiệm để đảm bảo đủ tiêu chuẩn tham gia hiến máu. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với virus truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan... sẽ không được hiến máu.

- Những người làm trên độ cao như phi công, tiếp viên,... hoặc những công việc nặng, lái xe đường dài nên nghỉ ngơi 24 giờ trước khi tham gia hiến máu.

Thứ ba, khi tham gia hiến máu:

- Mặc áo có thể xắn tay để thuận tiện cho quá trình lấy máu. 

- Thư giãn bằng âm nhạc hoặc trò chuyện.

- Có bất kỳ đề nghị gì, ví dụ lấy máu ở một vị trí nào đó hoặc ở bên tay nào đó, nên nói với nhân viên y tế để đảm bảo thoải mái nhất khi hiến máu.

- Chỉ hiến đúng lượng máu quy định.

Thứ tư, sau khi hiến máu:

- Sau khi hiến máu, bạn sẽ được cung cấp một phần đồ ăn nhẹ, nước trái cây, sữa… giúp mức đường huyết của bạn tăng lên và không khiến bạn cảm thấy chóng mặt.

- Bổ sung nước cho cơ thể, tránh đồ uống có chứa caffeine hoặc cồn trong 24 giờ.

- Để cơ thể nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh, mang vác đồ nặng 2 ngày sau khi hiến máu.

- Bổ sung thực phẩm giàu sắt để tăng cường quá trình tái tạo hồng cầu.

- Mỗi lần hiến máu nên cách nhau tối thiểu 3 tháng để cơ thể kịp phục hồi lại lượng hồng cầu đã cho đi.