Hiến kế giải pháp giảm ùn tắc giao thông

ANTĐ - Giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông cần phải giải quyết cả 2 vế: NƠI Ở và NƠI LÀM VIỆC. Vì đó là 2 điểm đầu - cuối của quãng đường cần đi vào giờ cao điểm.

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứng kiến tận mắt quá trình phát triển mạnh mẽ không ngừng của thủ đô. Cũng như các thành phố lớn khác trên thế giới, Hà Nội đang và sẽ phải đối mặt với những vấn đề hóc búa của bài toán đô thị nếu như muốn trở thành một thành phố quy mô lớn và hiện đại.

Riêng về vấn đề ách tắc giao thông, một vấn đề mà tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều phải đối mặt, chúng ta cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như: xây cầu vượt, mở rộng và làm thêm đường, di dời dân cư ra ngoại thành, v.v... trong đó có những giải pháp rất tốn kém tiền của. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng cơ học về dân số của thành phố, dường như tình trạng giao thông không những không được cải thiện mà còn ngày càng trầm trọng hơn.

Vấn đề đang trở nên nghiêm trọng khi tắc đường đã là chuyện xảy ra liên tục thường xuyên mọi lúc, mọi nơi trên địa bàn thành phố, gây ra tổn thất lớn về chi phí và về thời gian cho người dân, gây ô nhiễm không khí, chất lượng sống giảm sút. Các giải pháp đã đưa ra nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Trong khi điều kiện kinh tế chưa cho phép chúng ta làm được tàu điện ngầm và các phương tiện giao thông công cộng hiệu quả khác thì để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, chúng ta phải mổ xẻ chi tiết, cụ thể của vấn đề, từ đó có đánh giá chung và đưa ra giải pháp.

Việc đi lại của người dân là nhu cầu cần thiết, kể cả xe máy hay ô tô, vì đó là nhu cầu chính đáng và thiết thực, rất khó để ngăn cấm. Vấn đề ở đây có lẽ là do chúng ta chưa có phương tiện công cộng hiệu quả, trong khi dân số nội đô lại gia tăng đến mức của một đại đô thị. Trong khi chờ tàu điện ngầm hay phương tiện giao thông công cộng hiệu quả nào đó khác ra đời, theo ý kiến riêng của tôi, chúng ta cần làm một giải pháp như sau:

Các cơ quan, doanh nghiệp, tồ chức, trường học, ... đặc biệt là các đơn vị lớn có đông cán bộ, nhân viên nếu có điều kiện thì hình thành nên ít nhất thêm một cơ sở 2, chi nhánh 2, văn phòng đại diện 2,... nếu có thể là 3, 4 hay lớn hơn thì càng tốt. Các cơ sở 2 này cùng với cơ sở chính cần được phân bố vào gần các khu đông dân và phân bố đều nhau trong thành phố. Ví dụ: Một trường Đại học nằm ở phía Tây thành phố thì nên mở thêm một cơ sở 2 ở phía Đông thành phố và cho phép sinh viên có thể chọn 1 trong 2 địa điểm đó để học. Một doanh nghiệp lớn có trụ sở ở phía Bắc thì mở thêm cơ sở 2 ở phía Nam và cho phép nhân viên có thể chọn 1 trong 2 địa điểm đó để đến làm việc.

Người tham gia giao thông vào giờ cao điểm đại đa số là người đi làm, đi học. Việc di chuyển của người tham gia giao thông tạo ra xung đột về hướng di chuyển gây tắc nghẽn, và họ không có lựa chọn nào khác để rút ngắn quãng đường từ nhà đến nơi làm việc, học tập.

Chúng ta vẫn quan tâm đến vấn đề dãn dân, di dân ra ngoại thành để giảm mật độ, nhưng lại không chú ý đến di dời, dãn mật độ nơi làm việc. Giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông cần phải giải quyết cả 2 vế: NƠI Ở và NƠI LÀM VIỆC. Vì đó là 2 điểm đầu - cuối của quãng đường cần đi vào giờ cao điểm. Nếu mỗi người tham gia giao thông rút ngắn được 1/2 quãng đường phải đi thì họ rút ngắn được 1/2 thời gian tham gia giao thông. Điều đó đồng nghĩa với mật độ tham gia giao thông trên đường được giảm đi một nửa.

Vì vậy, việc hình thành thêm các cơ sở cho các cơ quan làm việc sẽ tạo cho người tham gia giao thông thêm nhiều lựa chọn để rút ngắn thời gian di chuyển (thay vì họ phải chuyển nhà đến gần cơ quan làm việc), từ đó giảm mật độ tham gia giao thông.

Thậm chí, chúng ta không nhất thiết phải xây thêm các tòa nhà để hình thành cơ sở 2, mà chỉ cần hoán đổi, chia sẻ vị trí giữa các cơ quan trong các tòa nhà cho thuê. Thay vì 1 tòa nhà của cơ quan A thuê ở phía Đông và 1 tòa nhà của cơ quan B thuê ở phía Tây thì chúng ta chia sẻ thành mỗi tòa nhà đó đều có 1 nửa là cơ quan A và 1 nửa là cơ quan B. Như vậy 2 cơ quan đều có mặt ở 2 phía. Tổng diện tích thuê văn phòng của từng cơ quan cũng không thay đổi nhiều, tính trung bình thì chi phí thuê văn phòng của 2 cơ quan cũng không thay đổi nhiều. Xét trên toàn xã hội thì đây chỉ là cách sắp xếp lại vị trí cho hiệu quả chứ không phát sinh thêm chi phí xây dựng mới, hoặc nếu có thì cũng không lớn.

Các cơ quan nhà nước nên gương mẫu làm trước, rồi vận động phong trào cho các loại hình doanh nghiệp và văn phòng khác thực hiện việc này. Đương nhiên, việc này sẽ gây ra một số vấn đề khó khăn nhất định cho các cơ quan trong quá trình vận hành làm việc. Nhưng nếu so với tổn thất mà nạn tắc đường kẹt xe gây ra cho xã hội thì chúng ta vẫn nên làm, đặc biệt cần ứng dụng công nghệ thông tin và truyền dữ liệu để kết nối các cơ sở với nhau cho hiệu quả. 

 

Mô hình 1: Tổng quát về thực trạng giao thông hiện nay

Mô hình 2: Tình hình giao thông sau khi thực hiện giải pháp

Hiến kế giải pháp giảm ùn tắc giao thông ảnh 2

Các ký hiệu:
A, B, C, D: Địa điểm các cơ quan, đơn vị, hoặc trường học
AD: Địa điểm tòa nhà chia sẻ bao gồm cả trụ sở chính của A và cơ sở 2 của D. Tương tự đối với BC, CB, DA
a, b, c, d: Nơi ở của các cán bộ công nhân viên, học sinh,… tương ứng với các cơ quan A, B, C, D phân bố ngẫu nhiên trên toàn thành phố.
_________ : Lộ trình di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại

Như vậy nơi ở của các cán bộ công nhân viên, học sinh,… tương ứng với các cơ quan A, B, C, D có xu hướng chuyển dịch về gần nơi làm việc, tuy nhiên thực hiện việc này không dễ cho người dân vì nhiều lý do.

Các điểm giao cắt trong mô hình tổng quát thể hiện sự xung đột về hướng di chuyển. Càng giảm thiểu được các xung đột này thì càng giảm được ùn tắc giao thông

So sánh hai mô hình trên, chúng ta thấy : Việc sắp xếp hoán đổi và chia sẻ nơi làm việc đã làm giảm đáng kể xung đột về hướng di chuyển, thể hiện ở việc giảm rõ rệt các nút giao cắt ở mô hình 2. Ngoài ra, độ dài quãng đường di chuyển nhìn chung cũng được rút ngắn.