Hiểm họa uống nước không đúng cách (Phần 2)

ANTĐ - Nước là chất dinh dưỡng đặc biệt cần thiết cho một cơ thể sống bởi mọi quá trình chuyển hóa trong tế bào và mô chỉ xảy ra bình thường khi đủ nước. Việc uống nước không đúng cách sẽ kéo theo vô số những hệ lụy nguy hại cho sức khỏe.
Hiểm họa uống nước không đúng cách (Phần 2) ảnh 1

Việc uống thật nhiều nước để bù đắp cơn khát sau tập luyện sẽ tạo áp lực cho tim

Uống nước đóng chai

Các loại nước tinh khiết đóng chai đang được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông liệu có tốt hơn nước đun sôi để nguội? Nước tinh khiết chỉ cung cấp nước mà không chứa các chất cần thiết cho cơ thể. Còn nước khoáng thì mỗi loại sẽ có hàm lượng khoáng khác nhau như natri, kali, calci, magie… nên nếu dùng một loại mãi thì cơ thể sẽ thiếu những chất khoáng khác. Chưa kể trên thị trường đang có những loại nước khoáng chỉ được chế biến qua loa, các loại nước khoáng giả đóng chai được bày bán tràn lan.

Loại nước tốt nhất cho cơ thể hiện nay là nước đun sôi để nguội. Với trẻ nhỏ thì đây là đồ uống tốt nhất giúp cho cơ thể trẻ dễ hấp thu, tăng lượng hồng cầu của tế bào, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nhanh chóng phục hồi thể lực. Ngoài ra, trong nước đun sôi không có đường, hương liệu hay chất tạo màu nên không gây tác dụng phụ cho cơ thể.

Dùng nước có ga thay thế nước

Nhiều người chọn các loại nước có ga để uống thay nước bởi mùi vị, màu sắc hấp dẫn của chúng. Tuy nhiên, nước có ga không có tác dụng bổ sung nước cho cơ thể mà còn làm giảm sự ngon miệng, giảm ham muốn uống nước.

Trong nước có ga thường chứa các chất phụ gia, chất màu, chất bảo quản, chất tăng vị… Nếu uống trong thời gian dài sẽ gây tổn hại thận, tăng nguy cơ bị sỏi thận, co thắt dạ dày, viêm dạ dày, gây tổn thương cho răng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và dễ gây béo phì ở trẻ em. Thêm vào đó, uống nước có ga dễ dẫn đến trướng bụng, đau bụng đi ngoài, ảnh hưởng đến sự hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể.


Vừa ăn vừa uống

Nhiều người có thói quen uống nước trong khi ăn vì cho rằng nước giúp thức ăn được tiêu hóa dễ dàng. Việc uống một ngụm nước trong suốt bữa ăn tuy không gây hại nhưng nó sẽ là câu chuyện khác hẳn nếu uống một hoặc hai ly nước.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nước trong khi ăn có thể làm loãng các dịch vị được tiết ra để tiêu hóa thức ăn, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của dạ dày, làm tăng lượng insulin và tích tụ chất béo...

Để tránh uống nước trong suốt bữa ăn, bạn không nên ăn thức ăn quá mặn.


Vận động xong uống nhiều nước

Trong quá trình tham gia các hoạt động thể chất, cơ thể bạn có nguy cơ bị mất nước. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn là vận động viên chuyên nghiệp đang tham gia chạy bộ, hoạt động thể lực nhiều giờ liền hoặc khi hoạt động trong môi trường nắng nóng. Các bài tập thể dục thông thường không thể làm cơ thể mất đi một lượng nước nhiều như vậy. Do đó, không nhất thiết phải uống nước ngay lúc tập để bổ sung nước cho cơ thể. Việc bổ sung nước lúc này có thể làm gián đoạn quá trình luyện tập khiến hiệu quả tập luyện không cao.

Việc uống thật nhiều nước để bù đắp cơn khát sau tập luyện sẽ tạo áp lực cho tim và tác động tới tim. Nên uống chậm và uống nước thành ngụm nhỏ để tránh gây ảnh hưởng cho các bộ phận cơ thể.


Trước khi đi ngủ/ngủ dậy không uống nước

Khi ngủ, lượng nước trong cơ thể mất đi khiến cho nước trong máu giảm, độ dính của máu tăng cao. Những ngày mùa đông, thời tiết hanh khô do độ ẩm không khí giảm, nước còn có tác dụng làm nhuận đường hô hấp, giúp ngủ ngon hơn. Do vậy, trước khi đi ngủ bạn nên uống một, hai ngụm nước nhỏ, không cần phải uống quá nhiều nước. Uống nhiều nước trước khi ngủ làm cho dạ dày bị đầy ứ khiến cơ thể khó chịu và khó ngủ.

Buổi sáng ngủ dậy việc đầu tiên bạn cần làm là uống một cốc nước. Uống nước khi thức dậy giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ các chất độc hại, giúp tăng cường khả năng lưu thông máu của cơ thể.


Ăn mặn không uống nước

Ăn quá mặn sẽ làm cho sự tiết nước bọt giảm, miệng bị niêm mạc phù nề, gây huyết áp cao… Vì thế, sau khi ăn mặn nên uống nhiều nước. Tốt nhất là nước khoáng đơn thuần hoặc nước chanh, không nên uống nước có đường, sữa vì đường không giảm được cơn khát.


Không thường xuyên rửa bình lọc nước

Nước đóng bình hay bình lọc nước không chỉ phổ biến trong gia đình mà còn ở các nơi công cộng. Thường mọi người chỉ uống, ít khi nghĩ đến chuyện cọ rửa chúng cho sạch theo định kỳ. Nước trong bình lọc tưởng là sạch nhưng thực tế, mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng. Do đó, nên vệ sinh bình lọc nước thường xuyên, mùa hè 2 tuần một lần.