Hiểm họa từ rác thải nhựa

ANTĐ - Rác thải chất dẻo như chai lọ, túi nilon vứt bừa bãi ngày càng nhiều xuống biển hay các dòng sông để cuối cùng cuốn ra biển đang đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái các đại dương.

Con chim biển này chết vì những rác thải chất dẻo quá nhiều trong dạ dày

Các nhà hải dương học LHQ và quốc tế ngày 18-5 đã lên tiếng cảnh báo rác chất dẻo (plastic) đang làm biến đổi nhanh chóng hệ sinh thái các đại dương. Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), ước tính số lượng chất dẻo con người sản xuất đã tăng nhanh từ 5 triệu tấn năm 1950 lên 260 triệu tấn mỗi năm hiện nay. Lượng chất dẻo được sử dụng tính theo đầu người hàng năm lên tới 100kg ở các nước phát triển và 20kg ở các nước đang phát triển, trong đó 80% rác chất dẻo và các rác thải khác đổ ra các đại dương là từ hoạt động của con người.

Một ước tính khác của UNEP đưa ra vài năm trước cho rằng mỗi một dặm vuông biển (1 dặm = 1.852m2) chứa 46.000 mẩu rác thải nhựa khác nhau gồm ống tiêm, bật lửa, bàn chải đánh răng đến những túi chất dẻo, chai lọ, bao bì... Tổng khối lượng của chúng gấp 6 lần khối lượng sinh vật nổi ở biển và hiện diện tích của hai bãi rác đó đã phình to lên gấp đôi diện tích lãnh thổ nước Mỹ. 

Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Hải dương Mỹ công bố ngày 18-5 cho biết, ở khu vực nhiệt đới Bắc Thái Bình Dương, trung bình cứ 1m3 nước biển chứa tới 10 mẩu chất dẻo khác nhau, cao gấp hàng trăm lần so với lượng rác thải chất dẻo ở khu vực này năm 1972. Lượng rác chất dẻo ở độ sâu từ 5-30 mét ở Thái Bình Dương cao hơn độ sâu từ 3-4 mét so với mực nước biển từ 2,5-27 lần. 

LHQ cảnh báo, vấn đề rác thải trên đại dương đang ngày càng nghiêm trọng bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn và giảm rác thải, đặc biệt là các mảnh chất dẻo và rác thải công nghiệp. Các hóa chất độc hại từ rác thải chất dẻo và rác thải công nghiệp đang đe dọa các sinh vật sống trong môi trường biển, nguồn thực phẩm hải sản bị nhiễm độc nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe của con người với các chất gây ung thư và nhiều bệnh mới phát sinh. 

Theo LHQ, ít nhất 267 loài sinh vật biển bị tác động nguy hại do các loại rác thải trên biển, trong đó có tới 86% loài rùa biển, 44% loài chim biển và 43% loài động vật có vú sống trong biển và đại dương. Rác thải trên biển cũng tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của các nước ven biển, đe dọa ngành du lịch, kích thích sự phát triển của các loài sinh vật xâm thực phá hoại môi trường và hệ sinh thái biển và đại dương.

Những đồ phế thải bằng chất dẻo không bị phân hủy về mặt sinh học và không biến đi đằng nào được là nguyên nhân gây nên cái chết của hơn một triệu con chim biển trong một năm và hơn 100 nghìn cá thể động vật có vú ở biển. Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cảnh báo, trong một thập kỷ tới rác thải trên đại dương có thể làm biến mất 270 loài cá và sinh vật biển khác nhau. 

Vì thế, LHQ kêu gọi nâng cao nhận thức của xã hội về những nguy hại của việc thải rác ra biển, đồng thời yêu cầu các nước tích cực thu gom rác chất dẻo thông qua hệ thống tín dụng bắt buộc, theo đó, người xả rác thải chất dẻo phải trả phí cao. Các nước châu Âu như Đức, Hà Lan và Bắc Âu đã áp dụng thành công hệ thống này và kết quả có tới 95% rác thải chất dẻo đã được thu gom và được quay vòng.

Vi khuẩn ăn nhựa 

Hiểm họa từ rác thải nhựa  ảnh 2

Nạn rác thải nhựa tổng hợp - plastic đã đe dọa hệ sinh thái toàn cầu bấy lâu nay có thể được giải quyết nhờ sự giúp sức của một loài vi khuẩn vừa được các nhà khoa học tìm thấy trong rừng già Amazon.

Các nhà khoa học Đại học Yale của Mỹ đã tìm ra loài vi khuẩn mang tên Pestalotiopsis microspora này trong một chuyến nghiên cứu đa dạng sinh học ở Amazon. Đặc điểm của loài vi khuẩn này là không thể tự tổng hợp được các cấu trúc hóa học làm thành nhựa tổng hợp do vậy chúng sẽ ăn mòn bất kỳ vật liệu plastic nào chúng gặp và thải ra các chất thải hữu cơ có thể phân hủy.

Giới nghiên cứu tin rằng việc sử dụng loại vi khuẩn này có thể giúp nhanh chóng xử lý nạn rác thải plastic, vốn được cho rằng sẽ mất đến hàng trăm năm mới có thể phân hủy.