Hiểm họa từ dây điện kém chất lượng

(ANTĐ) - Đang có một thị trường dây điện “bình dân” do những công ty TNHH, xưởng gia công tư nhân… sản xuất. Điều đáng lo ngại trên thị trường này là, sản phẩm bày bán rất đúng với đúc kết: “tiền nào của nấy”.

Hiểm họa từ dây điện kém chất lượng

(ANTĐ) - Đang có một thị trường dây điện “bình dân” do những công ty TNHH, xưởng gia công tư nhân… sản xuất. Điều đáng lo ngại trên thị trường này là, sản phẩm bày bán rất đúng với đúc kết: “tiền nào của nấy”.

Xé mạnh đã rách vỏ
Xé mạnh đã rách vỏ

“Quét nhà ra rác”

Từ đầu năm 2008 đến nay, lực lượng chống hàng giả - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CATP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường 14 đã 3 lần phát hiện, bắt quả tang hành vi sản xuất, kinh doanh dây diện gia dụng kém chất lượng của 3 cơ sở sản xuất tư nhân.

Đầu năm 2008, lực lượng chống hàng giả Phòng PC15 và QLTT 14  đã phát hiện những dấu hiệu đáng lo ngại trên thị trường dây điện. Khu vực chợ Hòa Bình, phố Trần Cao Vân, Nguyễn Công Trứ… một số cửa hàng bày bán dây điện mang thương hiệu của doanh nghiệp tư nhân sản xuất.

Cùng một loại dây nhưng so với sản phẩm của những công ty đã được khẳng định thương hiệu, dây diện tư nhân “xốp” và mềm hơn. Đáng chú ý theo phản ánh của người tiêu dùng, có loại dây điện chỉ cần dùng tay cấu mạnh cũng rách vỏ.

Kiên trì đeo bám nguồn cung cấp hàng cho những cửa hàng này, lực lượng chức năng tìm đến được cơ sở sản xuất của bà Đoàn Thị Dư, phường Thanh Lương, đăng ký sản xuất dây điện “Thịnh Cường”.

Thời điểm kiểm tra hành chính, lực lượng chức năng xác định cơ sở này sản xuất nhiều chủng loại dây điện khác nhau, trong đó nghi vấn nhất là loại dây gia dụng 2x1,5mm.

Kiểm đếm kho hàng của cơ sở này, lực lượng chức năng thu giữ 510 cuộn dây điện, mỗi cuộn chiều dài 100 mét. Kết quả giám định sau đó cho thấy rõ những sai phạm của cơ sở sản xuất.

Quy định loại dây này phải có 60 sợi đồng trong 2 sợi dây đôi; song dây điện “Thịnh Cường” bị thu giữ bên trong chỉ có 32 sợi. Vỏ nhựa của loại dây này cũng không đảm bảo độ chống cháy. Theo tường trình của chủ cơ sở, sản phẩm của họ chủ yếu tiêu thụ ở tỉnh lân cận Hà Nội.

Một thời gian ngắn sau vụ việc trên, lực lượng Công an và QLTT đã lật tẩy hành vi gian dối của Công ty TNHH Hạnh Tường, địa chỉ tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Hơn 300 cuộn dây điện bị thu giữ tại doanh nghiệp này đều vi phạm quy định đăng ký, công bố chất lượng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại dây.

Một cán bộ Đội QLTT 14 nhận định, nhiều khả năng các doanh nghiệp này thành lập để sản xuất hàng kém chất lượng, bởi nhà xưởng, cơ sở vật chất đều hết sức tồi tàn, tối tăm.

Doanh nghiệp vi phạm thứ ba bị phát hiện là Công ty CP Cơ điện sản xuất và thương mại Phương Đông, trụ sở tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa, và cửa hàng bán sản phẩm tại phố Trần Cao Vân, quận Hai Bà Trưng. Sản phẩm của doanh nghiệp này chỉ có 36 sợi đồng trong 2 dây đôi, thay vì 60 sợi theo quy định.

“Phố dây điện” Nguyễn Công Trứ
“Phố dây điện” Nguyễn Công Trứ

Có quy chuẩn, không có người giám sát

“Đáng lo ngại”, đó là nhận định của Đội QLTT 14 về diễn biến thị trường dây điện gia dụng hiện nay. Những thủ tục hành chính khiến công tác kiểm tra để phát hiện hàng kém chất lượng không phải cứ “thích làm là được”.

Tìm ra “lò” sản xuất dây điện kém chất lượng còn khó khăn hơn nhiều. Khác với các loại hàng giả, hàng nhái, dây điện kém chất lượng không ăn theo những thương hiệu nổi tiếng. 3 trường hợp bị phát hiện nêu trên là ví dụ.

Họ có cái “lý” khi giao dịch với người tiêu dùng, là giá cả rẻ bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại của những công ty đã được khẳng định thương hiệu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đây là 3 trường hợp đầu tiên bị lực lượng CSKT và QLTT phát hiện. Điều này cho thấy, lĩnh vực sản xuất dây điện, đặc biệt trong “khối” tư nhân, còn chưa được quan tâm quản lý, giám sát.

 Vỏ nhựa của dây điện nếu đạt chuẩn, ngay cả khi gặp nguồn nhiệt cao cũng chỉ bị sun lại, chứ không thể cấu mạnh đã rách như vỏ dây kém chất lượng. Việc gian lận, ăn bớt số lượng dây đồng trong lõi không thể phát hiện nếu không cắt ra xem.

Một chuyên viên của Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, nhiều loại dây điện kém chất lượng, nơi sản xuất ăn bớt tỷ lệ đồng, pha thêm sắt vào lõi, khiến không chỉ khả năng truyền dẫn điện kém, mà còn dễ gây sự cố trong quá trình sử dụng.

Có những loại dây dùng một thời gian tự oxy hóa do được làm từ đồng phế phẩm, công nghệ sản xuất kém. Thông tin này liệu có sự liên quan nào với thống kê của Phòng CS PCCC, “hơn 70% số vụ cháy trên địa bàn thành phố xảy ra ở các nhà dân?”.

Nguy hại từ sản phẩm dây điện kém chất lượng là điều ai cũng hình dung được hậu quả. Tuy nhiên, cùng với sự thiếu lực lượng giám sát, kiểm tra, ngay cả chế tài xử lý vi phạm bị phát hiện cũng yếu.

Thiệt hại đối với người tiêu dùng có tính dàn trải ở nhiều địa phương, nhưng công tác truy tố, xét xử rất ít.

3 trường hợp kinh doanh dây điện kém chất lượng vừa bị phát hiện, chỉ có 1 trường hợp bị đình chỉ hoạt động, do vi phạm lỗi không công bố chất lượng sản phẩm.

2 “nhà sản xuất” còn lại chỉ bị phạt chưa đến 10 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là, liệu cơ quan chức năng sẽ có động thái gì, hay cứ để người dân sống cùng những hiểm họa từ dây điện kém chất lượng?

(Còn nữa)

Anh Duy