Hiểm họa trên đường cao tốc: Những quy định khó hiểu

(ANTĐ) - Mặc dù từ năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành văn bản quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn của các phương tiện chạy trên các tuyến đường này, song vẫn còn nhiều điều đáng bàn…

 Đại lộ Thăng Long

 Đại lộ Thăng Long


Quan trọng nhất là ý thức của lái xe
 Ngày 17-7-2009, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 13/2009/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới, xe máy chuyên dụng tham gia giao thông đường bộ.

Điều 4 của Thông tư quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới được ghi trên biển báo hiệu đường bộ.

Lái xe phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp với điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết để bảo đảm an toàn giao thông, phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp: Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao cắt đường sắt; đường vòng; đoạn đường mà mặt đường không êm thuận; Qua cầu, cống hẹp; Khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc; Trời mưa; có sương mù; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi…

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư, ngoài khu vực đông dân cư. Tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc, đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền và khám nghiệm, Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội, khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, đường bộ được thiết kế xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng thì người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ.

Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; Ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo. Khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng.

Cụ thể là khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau: Đến 60km/h: khoảng cách an toàn tối thiểu là 30m. Trên 60 - 80km/h: khoảng cách là 50m, trên 80 - 100km/h: khoảng cách tối thiểu là 70m, trên 100 - 120km/h: khoảng cách tối thiểu là 90m.

Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo. Thời gian qua, nguyên nhân gây tai nạn trên đường cao tốc hầu hết do xe chạy quá tốc độ quy định, chở quá tải, do kỹ thuật và chất lượng xe không bảo đảm, do lái xe không làm chủ được tốc độ...

Như vậy, khi điều khiển phương tiện trên đường cao tốc, đường đô thị, điều quan trọng nhất đối với lái xe là giữ khoảng cách an toàn với xe khác theo quy định, đi đúng làn đường và tốc độ cho phép. Bên cạnh đó, người lái xe cần chấp hành nghiêm quy định về dừng đỗ xe, chú ý quan sát mặt đường do cấu trúc mặt đường ở từng đoạn không giống nhau. Khi trên đường xảy ra sự cố (xe bị hỏng hóc, va quệt, sửa đường)… phải có cảnh báo từ xa đối với các phương tiện khác.

Cần sửa đổi những điểm bất cập

 Đường Pháp Vân- Cầu Giẽ cần được kiểm tra hiện trường đối với các chỉ tiêu kỹ thuật.

 Đường Pháp Vân- Cầu Giẽ cần được kiểm tra hiện trường đối với  các chỉ tiêu kỹ thuật. 

Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: “Thông tư 13 có một số điểm mâu thuẫn với Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB). Cụ thể là, Luật GTĐB bắt buộc người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật muốn qua đường được an toàn phải chọn nơi có vạch kẻ đường dành cho họ đi qua.

Trường hợp họ qua đường ở những nơi không có vạch kẻ đường, thì phải dành ưu tiên cho các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Ở những vị trí có vạch kẻ đường và vị trí không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý có giới hạn khác nhau và không đồng nhất.

Song tại Khoản 6, Điều 5 - Thông tư số 13 lại quy định mọi trường hợp ở nơi có vạch kẻ đường hay không có vạch kẻ đường và bất luận người điều khiển phương tiện quan sát, nhìn thấy hay không nhìn thấy người đi bộ đang qua đường, thì người điều khiển phương tiện vẫn phải giảm tốc độ dưới mức tốc độ tối đa cho phép.

Sự thiếu thống nhất giữa 2 văn bản trên đã dẫn đến sự lúng túng trong xác định chứng cứ các vụ án. Mặt khác, theo quy định hiện hành, làn bên phải và làn bên trái chạy với vận tốc khác nhau và vận tốc này được quy định trong một khoảng nhất định (ví dụ từ 60 - 100km/h). Quy định này không hợp lý, có thể gây cản trở giao thông dẫn đến tai nạn.

Cụ thể là nếu một chiếc ô tô chạy bên làn trái với vận tốc 70km/giờ là đúng luật nhưng có thể lại cản đường những xe chạy với vận tốc 100km/giờ. Như vậy, những xe muốn chạy nhanh hơn phải qua bên phải rồi vào làn trái. Sự thường xuyên thay đổi làn xe trong lưu thông làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Một vấn đề khác là hiện trên một số tuyến đường cao tốc của nước ta, những bảng hướng dẫn được đặt khá gần lối ra của đường cao tốc, chữ nhỏ lại ở vị trí thấp nên sẽ che khuất tầm nhìn của xe khiến họ phản ứng không kịp, dễ phanh gấp nên khả năng xảy ra tai nạn là khá lớn.

Vì vậy, các bảng hướng dẫn cần được đặt ở vị trí trên cao, chữ to rõ để người tham gia giao thông có thể nhìn và nắm bắt được ngay thông tin trên đó, phải được báo hiệu trước ở cự ly tối thiểu 1km và nhắc lại ở 500m, 300m, 100m”…

Cũng theo Luật sư Hải, để góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên những tuyến đường cao tốc, cơ quan quản lý đường bộ cần sớm kiểm tra thực tế hiện trường đối với các chỉ tiêu kỹ thuật không đạt tiêu chuẩn của tuyến cao tốc về dải phân cách, hành lang an toàn, độ bằng phẳng của mặt đường, hệ số ma sát giữa bánh xe với mặt đường.

Ngoài ra, bản thân từng người lái xe cần thiết tự giác tuân thủ nghiêm ngặt cự ly an toàn, tuyệt đối không vi phạm tốc độ, không đi sai làn xe quy định và thường xuyên kiểm tra phanh, lốp xe... bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần tích cực tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường này, phối hợp với cơ quan liên quan lắp đặt hệ thống camera để phát hiện, xử lý những lái xe vi phạm về cự ly an toàn giao thông…