Hiểm họa thầm lặng

ANTĐ - Không gây ra những cái chết hay tổn thất tức thời song túi nilon, với hàng trăm tỷ chiếc thải ra môi trường mỗi năm, là hiểm họa thầm lặng và lâu dài với cuộc sống trên Trái đất.

Hiểm họa túi nilon đe dọa cả nước Pháp

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 16-4 đã thông qua dự thảo được chờ đợi lâu nay, quy định mục tiêu cắt giảm lần lượt 50% và 80% lượng túi nilon được sử dụng tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2017 và năm 2019. Dự thảo cho phép các quốc gia trong liên minh tự lựa chọn chiến lược phù hợp để tiến tới đạt mục tiêu này, trong đó có thể tiến hành đánh thuế hay cấm sử dụng các loại túi nhựa, túi nilon... 

Việc EP thông qua dự thảo nghị quyết hạn chế việc sử dụng túi nilon diễn ra khi mà loại túi đựng, bao bì được sử dụng vô cùng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày đang mang lại những hiểm họa khôn lường cho môi trường và cuộc sống. Hiện mỗi năm người dân EU sử dụng hàng trăm tỷ túi nilon, trong đó có khoảng 8 tỷ túi bị vứt trôi nổi trong các vùng biển, khiến 94% các loài chim sống tại Biển Bắc có túi hoặc mảnh túi nilon trong dạ dày. 

Các tổ chức môi trường cho rằng túi nilon thải ra môi trường sau khi sử dụng là yếu tố làm chết hàng triệu loài sinh vật biển mỗi năm và đang trở thành một vấn đề ngày càng nhức nhối tại châu Âu. Vì thế, các quốc gia thành viên EU nói riêng cũng như toàn châu Âu nói chung cần chung tay góp sức để giải quyết hiểm họa này và dự thảo nghị quyết hạn chế sử dụng túi nilon của EP là một biện pháp quan trọng. 

Với dự thảo nghị quyết hạn chế dần việc sử dụng túi nilon, EU đang là một trong những nơi đi đầu trên thế giới trong việc giảm dần rồi tiến tới loại bỏ chúng khỏi đời sống. Cũng như ở châu Âu, túi nilon hiện đã trở thành một hiểm họa mang lại hệ lụy khôn lường cho môi trường sinh thái và sự sống trên hành tinh.

Theo các nhà khoa học, nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp chúng dưới đất sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và Fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ… Ước tính mỗi chiếc túi nilon sau khi thải ra môi trường phải mất 500 năm mới phân hủy hoàn toàn nên  sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất, ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu… từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. 

Trong khi đó, hiện mỗi năm con người sử dụng khoảng 500 tỷ túi nilon, tức là cứ mỗi phút lại dùng khoảng 1 triệu chiếc. Để sản xuất ra số lượng túi nilon khồng lồ này cần khoảng 60 triệu thùng dầu, do đó sẽ tạo ra một lượng lớn khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu trên Trái đất.

Vì thế, không chỉ có EU mà nhiều quốc gia, địa phương trên thế giới bên cạnh việc hạn chế sử dụng túi nilon đã khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các loại túi thay thế khác thân thiện với môi trường. Những loại túi thay thế bao gồm túi nilon phân hủy sinh học, túi được làm bằng sợi tự nhiên như sợi bông, gai dầu hoặc các loại vật liệu khác.