Hiểm họa phần tử khủng bố IS phủ diện rộng trên toàn thế giới

ANTD.VN - Bị mất tất cả các thành trì hay như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump là IS đã bị đánh bại tại Syria, song tổ chức khủng bố này vẫn là một hiểm họa nguy hiểm không chỉ tại quốc gia Trung Đông này mà khắp nơi khác trên toàn thế giới.

Hiểm họa phần tử khủng bố IS phủ diện rộng trên toàn thế giới ảnh 1Dù bị đánh bật khỏi các thành trì là các thành phố và thị trấn lớn song Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn là mối đe dọa lớn tại Syria

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani ngày 26-12 đã cảnh báo về việc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng di chuyển tới Afghanistan. Lời cảnh báo này được ông Ali Shamkhani đưa ra trong cuộc cuộc hội kiến Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Thủ đô Kabul nhân chuyến thăm chính thức quốc gia Tây Nam Á này. 

Quan chức đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia của Iran cho rằng, những phần tử khủng bố IS đang di chuyển một cách có tổ chức tới Afghanistan và tiếp tay cho khủng bố ở nước này nhằm “kích động những ngọn lửa chiến tranh, giết chóc và mất an ninh ở khu vực một lần nữa”. Chính vì thế, ông Ali Shamkhani khuyến cáo, Afghanistan phải có năng lực quốc phòng và quân sự khi 14.000 quân Mỹ rút khỏi quốc gia này. 

Trong nỗi lo lắng tương tự trước hiểm họa IS, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen ngày 26-12 cũng đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giành chiến thắng hoàn toàn trước tổ chức khủng bố khét tiếng này tại Syria. Để tuyên bố có thêm sức nặng, nữ Bộ trưởng Von der Leyen còn nhấn mạnh thêm rằng, các nước đồng minh đều có chung quan điểm là IS vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn.

Rõ ràng, quan điểm ở khu vực Trung Đông và thế giới không hề lạc quan như quan điểm của Tổng thống Donald Trump về mối đe dọa của Tổ chức khủng bố IS. Ông Donald Trump từng khiến không chỉ thế giới mà cả những đồng minh thân cận bất ngờ khi vào ngày 19-12 vừa qua đã tuyên bố sẽ rút hoàn toàn 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria với lý do IS đã bị đánh bại hoàn toàn tại quốc gia từng là thành trì của tổ chức khủng bố này.

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump không chỉ khiến thế giới bất ngờ mà còn gây ra tranh cãi khác nhau từ nội bộ nước Mỹ tới cả các đồng minh thân cận cũng như trên bình diện thế giới. Nhìn vào thực tế chiến trường Syria những năm qua có thể thấy IS đã suy yếu rất nhiều, từ thời đỉnh cao kiểm soát phần lãnh thổ rộng lớn nằm trên 2 quốc gia Syria và Iraq, tổ chức khủng bố này hiện đã bị đánh bật khỏi tất cả các thành phố và thị trấn lớn.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà IS không còn là một hiểm họa có thể xem nhẹ nếu không muốn lại phải trả giá đắt với sinh mạng của hàng nghìn người. Năm 2012, cũng do nhìn nhận và đánh giá không đúng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định rút quân khỏi Iraq, nhân tố được cho là rất quan trọng giúp IS trỗi dậy và hoành hành không chỉ tại quốc gia này mà cả khu vực rộng lớn.

Cho dù hiện chỉ còn kiểm soát diện tích chỉ khoảng 50km2 ở các vùng hẻo lánh tại Syria so với khoảng 250.000km hồi đỉnh cao năm 2014, song tổ chức IS vẫn rất nguy hiểm khi ước tính vẫn còn khoảng 15.000 tay IS phân tán nhiều nơi trên lãnh thổ Syria. Và mặc dù không kiểm soát một thành phố hay thị trấn lớn nào, nhưng IS vẫn đủ sức tấn công vào các thị trấn như cuộc tấn công vào thị trấn Gharanij hồi cuối tháng 11 vừa qua.

IS còn là hiểm họa ở nhiều nơi khác trên thế giới khi mà tư tưởng cực đoan và những phần tử nòng cốt của tổ chức khủng bố này hiện diện tại nhiều quốc gia khác. Mới đây nhất, IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công liều chết chấn động trụ sở Bộ Ngoại giao Libya ở Thủ đô Tripoli làm 5 người chết, trong đó có 3 tay súng tấn công.

IS chưa bị đánh bại hoàn toàn, vì thế tổ chức khủng bố này vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng với cuộc sống bình yên ở Trung Đông và thế giới.