Hiểm họa lan rộng

ANTĐ - Cúm gia cầm H7N9 đang trở thành một hiểm họa đáng lo ngại, nhất là khu vực Đông Á, khi không chỉ tiếp tục lây lan tại Trung Quốc mà đã “vượt biên giới” sang quốc gia Đông Nam Á Malaysia.
Hiểm họa lan rộng ảnh 1
Các nhân viên y tế mang đi tiêu hủy số gia cầm tại một khu chợ nghi nhiễm cúm ở Hồng Kông

Bộ Y tế Malaysia mới đây đã chính thức xác nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên tại nước này, đó là một nữ bệnh nhân 67 tuổi là khách du lịch đến từ Trung Quốc và sống tại tỉnh Quảng Đông. Trước khi đến Malaysia du lịch, nữ bệnh nhân này đã bị sốt và đã được điều trị ban đầu. Tại Malaysia, bệnh nhân được nhập viện ngày 7-2 và kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với virus cúm A/H7N9.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính tới ngày 15-2 tại Trung Quốc đã ghi nhận được tổng cộng 338 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát tháng 3-2013, trong đó 66 trường hợp tử vong. Đến nay, dịch bệnh đã lây lan ra 14 tỉnh, thành phố của Trung Quốc cùng với cả Hồng Kông và Đài Loan.

Rất đáng lo ngại là dịch cúm A/H7N9 đang bùng phát mạnh tại Trung Quốc sau thời gian tưởng như đã lắng dịu, lần đầu tiên lây sang nước ngoài là Malaysia. Chỉ tính từ đầu năm tới 15-2, tức là chỉ 45 ngày đã ghi nhận thêm nhận 182 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, tương đương số người mắc bệnh của cả năm 2013.

Cho dù việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực đã giúp hạn chế số ca tử vong song cúm A/H7N9 vẫn có tỷ lệ tử vong khá cao, 66 trường hợp trong số 338 ca mắc bệnh tại Trung Quốc. Các chuyên gia WHO cho rằng virus cúm gia cầm H7N9 là “một trong những virus nguy hiểm nhất” từng được biết đến và dễ lây lan cho con người hơn cả đại dịch Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) từng khiến hơn 800 người tử vong trên toàn thế giới. 

Trong khi đó, giới y học vẫn chưa “giải mã” được cơ chế lây lan của virus cúm A/H7N9 ngoài việc mới chỉ xác định virus được lây lan từ gia cầm sang người. Do vậy, các chuyên gia y tế vẫn lo ngại nếu virus H7N9 đột biến gene để có thể lây lan từ người sang người thì rất có thể sẽ dẫn tới bùng phát thành một đại dịch toàn cầu với thiệt hại khôn lường không chỉ về sinh mạng, sức khoẻ con người mà còn cả đối với kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch thế giới. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, WHO dù chưa khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia hoặc áp dụng biện pháp sàng lọc đặc biệt tại các cửa khẩu đối với dịch bệnh cúm A/H7N9 song đã đưa ra một số khuyến cáo đối với khách du lịch khi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A/H7N9. Theo đó, du khách nên tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ; thường xuyên rửa tay với xà phòng;  khi có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do cúm A/H7N9 và được khám, chẩn đoán để xác định.

Trong khi đó, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) đã kêu gọi các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc cần xem xét áp dụng các biện pháp đề phòng khẩn cấp và lập ra các kế hoạch phản ứng nhanh để đối phó với nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9. Theo tổ chức này, virus cúm A/H7N9 đang lây lan mạnh tại Trung Quốc đã gia tăng đáng kể nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các nước láng giềng, vì thế các nước này có biện pháp phòng ngừa nhằm ứng phó với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm từ Trung Quốc.