Hiểm họa không ngờ: mù mắt, sảy thai từ thú cưng

ANTĐ - Cũng bị mang bệnh từ thú cưng nhưng hậu quả mà chị Hằng phải chịu có phần đau đớn hơn khi đứa con mà vợ chồng chị mong chờ bị sảy do những con mèo của chị.

Nhiều vật nuôi trong nhà vốn được coi là thú cưng, là bạn tâm tình và thân thiết của chủ. Có những người đối xử với thú cưng như thể đó là đứa con nhỏ của mình. Thú cưng ăn cùng chủ, ngủ cùng chủ, đi chơi cùng chủ. Người ta ngỡ thú cưng vô hại nhưng thực tế, có khá nhiều những hiểm họa bệnh tật mà thú cưng có thể mang về đặt vào người chủ của mình và thú cưng cũng có thể phá hoại hạnh phúc gia đình khi người chủ đặt quá nhiều tình yêu của mình vào những vật nuôi này...

Chàng sa đà vào "em yêu"

"Em yêu" là hai từ được anh Minh, chồng của chị Hương, đặc quyền dùng cho 10 chú chim cảnh của mình. Cả 10 chú đều được gọi là em yêu và anh Minh cũng chỉ dùng từ "em yêu" cho mấy con chim của mình chứ tuyệt đối không dùng nó cho bất cứ ai khác, kể cả vợ của mình. Anh Minh bắt đầu nuôi chim từ khi vào đại học sau một lần tình cờ đến nhà bạn chơi và được nghe họa mi hót. Tiếng hót trong trẻo của họa mi khiến anh có ấn tượng sâu sắc. Trong thành phố luôn ồn ào và xô bồ này, âm thanh đó mới mượt mà và dịu dàng làm sao.

Minh mê mẩn với thú chơi chim này đến mức, cùng bạn bè của anh hầu hết là các cụ hàng tuần mang những con chim quý của mình ra công viên để cho chúng cùng hòa âm, ca tiếng hót. Với Minh, chỉ có thú chơi chim và việc học hành là có ý nghĩa, ngoài ra tất cả đều là những việc làm tốn thời gian. Điều đó được anh thể hiện bằng cách Minh rất ít khi tụ tập với bạn bè. Ngoài thời gian học trên trường và tự học, Minh đều tập trung vào mấy "em yêu" của mình và tỉ mẩn học cách chăm sóc, luyện giọng, tắm táp cho chúng.

 

Ra trường, đi làm, Minh vẫn gắn bó với sở thích của mình. Chuyện lấy vợ cho Minh cũng là do một tay bố mẹ lo cho. Hương là con gái một đồng nghiệp của bố Minh. Chị và anh trước đó cũng đã biết nhau nhưng không mấy thân thiết. Thấy Hương hiền lành, chịu thương chịu khó nên bố mẹ Minh ra sức vun vén cho con trai mình. Chị Hương kể, khi yêu nhau, anh cũng chẳng bao giờ đưa chị đi chơi. Lịch hẹn hò của hai người được cố định vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại công viên gần nhà vì đó là ngày Minh đưa các "em yêu" của mình đi đổi gió và giao lưu với những chú chim khác. Đưa Hương đi cùng nhưng đến công viên, Minh vẫn sẽ chỉ chăm chú vào các "em yêu" của mình còn Hương muốn làm gì thì làm, anh không quản cũng không quan tâm.

Thế mà đám cưới vẫn được tổ chức vì Hương nghĩ anh Minh hiền thế, lấy về thế nào chị cũng "cải tạo" được, "chả nhẽ vợ mà lại không hơn mấy con chim của ông ấy?". Nhưng chị Hương đã nhầm. Đối với Minh, vợ không thể bằng các "em yêu" được. Hàng ngày, việc đầu tiên mà Minh làm là ra sân sau nhà để thăm các "em yêu" và cho các em ăn cẩn thận rồi mới lo đến chuyện vệ sinh cá nhân của mình. Trước khi rời khỏi nhà đến công ty, Minh cũng phải quay lại chào gia tài của anh một lần nữa rồi mới yến tâm đi làm. "Nhiều lúc tôi cảm thấy như mình chẳng hề tồn tại trong nhà. Chồng nói chuyện với mấy con chim thậm chí còn nhiều hơn là nói chuyện với tôi" - Chị Hương than thở.

Hương cầu cứu đến cả bố mẹ chồng và bố mẹ mình nhưng hai bố mẹ đều nhất trí rằng, thú vui của Minh là lành mạnh và chị là vợ thì nên chiều chồng một chút, "còn hơn nó gái gú, bồ bịch". Nhưng phải "sống chung với lũ" như Hương mới biết có một ông chồng mê chơi chim thì khốn khổ và tủi thân đến mức nào. Trong máy điện thoại của Minh, phím tắt 1 được dùng để gọi cho bác sĩ thú y ngay khi các "em yêu" có vấn đề về sức khỏe. "Em yêu" ốm, Minh đứng ngồi không yên nhưng nếu vợ ốm, anh sẽ chỉ hỏi thăm qua quýt vài câu rồi để mặc chị tự xoay xở với sức khỏe của mình.

Bực chồng, đã có lần chị lén thả một "em yêu” của chồng đi. Lúc đi làm về, thấy thiếu một tình yêu, Minh cuống quýt đi tìm. Biết chắc chắn không thể tìm lại, Minh mới thất thểu về nhà rồi anh nằm bẹp mấy hôm liền, chẳng buồn ăn uống. Chỉ có đến giờ cho lũ chim ăn và vệ sinh cho chúng, anh mới rời khỏi giường và vui vẻ hơn một chút. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, mặt anh lúc nào cũng như đưa đám.

Hơn một tuần sau, Minh mới phần nào tươi tỉnh và quyết định ra khỏi giường, rời nhà đi làm. Chiều trở về, Hương đã thấy anh xách trên tay một chú chim mới. Anh hồ hởi khoe với vợ: "Tôi phải nhắn tin thuyết phục mãi, ông cụ cách nhà mình hai dãy phố mà đồng ý bán cho tôi của quý này đấy. Có 5 triệu thôi. Rẻ quá". Nghe tới số tiền mà chồng bỏ ra để mua con chim mới, Hương sầm cả mặt mày. 5 triệu đã bằng cả tháng lương của chị, thế mà anh cứ bỏ tiền ra như không.

Hương nghĩ, vợ thì Minh không thiết nhưng biết đâu khi có con, anh sẽ thay đổi. Thế nên, Hương quyết định có em bé. Nhưng mọi việc cũng không thay đổi nhiều khi những tháng mang thai, Hương vẫn phải tự chăm lo cho mình dù chị ốm nghén và sức khỏe không được tốt. Minh đón mẹ mình lên ở chung cùng hai vợ chồng để bà thay anh chăm Hương còn anh vẫn mải mê với các "em yêu" của mình. Ngay cả khi Hương trở dạ, Minh cũng không có mặt ở bệnh viện để đón con. Khi ấy, anh còn đang cuống quýt với hội thi chim của các cụ mà anh vẫn thường giao lưu ở công viên gần nhà.

Thế nên, khi được xuất viện về nhà, dù mẹ chồng và các anh chị bên chồng khuyên bảo thế nào, Hương vẫn nhất định bế con về nhà ngoại. Minh luống cuống chẳng biết làm sao. Bình thường khi trò chuyện với các "em yêu", anh có cả trăm nghìn câu chuyện để nói. Khi các "em yêu" ốm, anh có cả tỉ cách để nịnh nọt nhưng giờ bị vợ giận bế con về nhà ngoại, anh lại chẳng biết nói thế nào. Sau khi bị bố mẹ "uốn nắn", Minh đã tự mình đến xin lỗi vợ và hứa sẽ thay đổi. "Hứa thì là hứa thế chứ tôi không tin chồng mình bỏ được cái tình yêu bao la vĩ đại của anh đối với đám chim chóc đã theo anh bao lâu thế kia" - Hương ngao ngán tâm sự.

Phát điên với "con" của vợ

Cũng như gia đình anh Minh chị Hương, gia đình anh Thắng chị Dung cũng lục đục bởi tình yêu của chị Dung dành cho thú cưng của mình quá lớn. Vợ chồng anh Thắng lấy nhau đã được hơn 5 năm nhưng vẫn chưa có con. Dù hai người đã chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả khả quan. May mắn cho Dung là chị có một bà mẹ chồng rất tâm lý. Bà thông cảm cho con dâu và chẳng bao giờ chỉ trích chị chuyện chị không thể sinh được cho bà một đứa cháu. Ngược lại, bà còn yêu thương Dung hơn những cô còn dâu khác.

 

Chính bà là người đề xuất ra ý kiến vợ chồng Dung nên nhận con nuôi, chồng chị cũng hoàn toàn đồng ý với điều đó nhưng Dung lắc đầu từ chối. Chị khăng khăng chị chỉ nuôi con của mình chứ không nhận con nuôi. Thương vợ, anh Thắng mua tặng chị một con chó nhỏ để nó bầu bạn cùng vợ anh mỗi khi anh vắng nhà. Nhưng anh chẳng ngờ, con chó nhỏ anh mua tặng vợ đó lại mang về cho anh và cả gia đình của anh bao nhiêu rắc rối.

Chị Dung vô cùng cưng chiều chú chó nhỏ. Chị gọi nó là con và đối xử với nó cũng y hệt như một đứa con bé nhỏ. Chị cũng bắt chồng mình gọi chú chó đó là con và xưng "bố" với nó. Hàng ngày, Dung dậy từ năm giờ sáng để đi chợ vì chị muốn "con" của mình sẽ được ăn những thực phẩm tươi và sạch sẽ nhất. Ngày nào trước khi đi ngủ, chị cũng nói chuyện với nó rất lâu, hỏi xem ngày hôm nay của "con" thế nào và ngày mai "con" muốn làm những việc gì. "Vợ tôi cứ thủ thỉ nói chuyện với con chó như thể nó là một con người thực sự.  Ban đầu, tôi thấy thế là bình thường thậm chí tôi còn thấy vui vì cô ấy quấn quýt với nó như thế nhưng rồi tôi nhận ra vợ tôi đã quá đà trong việc đối xử với con chó. Và tôi thấy mọi việc cần phải thay đổi" - Anh Thắng nói.

Cuộc chiến giữa anh và vợ bắt đầu khi anh nhất quyết không đồng ý cho vợ đưa "con" lên giường ngủ chung như trước đây nữa. Sau khi tranh cãi một hồi, anh ra đề nghị nếu chị vẫn cho "con" lên giường ngủ thì anh sẽ ra phòng khách ngủ một mình. Ngỡ mình làm thế là rất quyết liệt và vợ sẽ phải xuống nước nhưng ai ngờ, chị Dung đồng ý luôn với phương án anh đưa ra rồi vui vẻ ôm "con" đi ngủ. Tuy nhiên, sau một tuần ngủ riêng, anh đã đạt được thỏa thuận với vợ rằng chị đồng ý không cho "con" ngủ cùng hai vợ chồng nhưng bù lại, anh Thắng phải cho phép chị đặt một chiếc cũi nhỏ ở cạnh (giường để cho "con" ngủ ở trong đó. Anh đồng ý vì dù sao vợ anh cũng đã chịu xuống nước.

Chị Dung còn có thói quen đưa "con" đi theo mỗi khi anh chị ra khỏi nhà dù chỉ là để sang quán phở đối diện để ăn sáng. Mà anh Thắng bực nhất chị ở cái tật hai vợ chồng ăn sáng, chị sẽ gọi thêm một bát nhỏ cho "con" và chẳng ngại ngần cho "con" đứng lên bàn để "ăn cùng mâm" với hai người. Điều này làm cho anh Thắng cảm thấy chú chó kia ngang hàng với mình và cảm giác "ăn cùng mâm" với một chú chó thì tất nhiên là chẳng hề dễ chịu chút nào. Đó là còn chưa kể đến việc khách trong quán nhìn anh chị và chú chó cưng của vợ anh rồi chỉ trỏ và bàn luận.

Sau hai, ba lần đến ăn sáng ở quán, anh Thắng được chủ quán rỉ tai rằng ông mong anh thông cảm nhưng xin anh và vợ cùng chó cưng của vợ anh không đến quán nhà ông ăn sáng nữa vì khách hàng không thích cảnh một con chó đứng trên bàn và ăn phở giống như họ. Anh cười ngượng nghịu đồng ý rồi từ sau đó, anh cũng không ra ngoài ăn sáng với vợ nữa. Mẹ anh nói, vợ anh như vậy là do chị quá khát khao có một đứa con để chăm bẵm và yêu chiều thế nhưng chị lại không thể làm mẹ. Thành ra, chị coi chú chó mà anh tặng như con của mình và đối xử với nó trong cương vị mình là một người mẹ. Thế nên Thắng phái hiểu và thông cảm cho vợ.

Anh đành phải đưa ra thỏa thuận với vợ rằng ở trong nhà, chị muốn đối xử cưng chiều "con" thế nào cũng được nhưng ra ngoài đường và trước mặt mọi người, chị nhất định phải để cho con chó ở nguyên thân phận của nó và không được hành động thái quá. Thỏa thuận được chấp thuận và "con" lại trở về ngủ chung giường với anh chị vì anh đã nói, ở trong nhà, chị muốn làm gì với "con" cũng được.

Dở khóc dở cười với ông chồng "mát tay"

Ông xã chị Lan cũng khiến chị mệt mỏi với đám thú cưng của anh. Trong căn nhà 3 tầng, hơn trăm mét vuông, anh dành riêng tầng 3 cho đám thú cưng của mình với đủ các thể loại: bồ câu, cá cảnh và mèo. Chị Lan kể, mới đầu cưới nhau, chồng chị chỉ có một đôi bồ câu, một đôi cá cảnh và một con mèo cái nhưng sau ba năm, "gia tài" của anh đã tăng lên đáng kể với một đàn bồ câu, rất nhiều cá cảnh và 9 con mèo. Tất cả đều từ đôi bồ câu, đôi cá cảnh và con mèo cái ban đầu của anh sinh ra. Thế nên nhiều lúc chị vẫn gọi đùa chồng là ông chồng mát tay, nuôi con gì con ấy cũng sinh đẻ liên tục.

Không bà giúp việc nào ở với nhà chị Lan được quá một tháng vì họ không chịu được việc chim chóc và lũ mèo suốt ngày làm loạn dù tầng ba luôn được anh Hùng, chồng chị Hồng, khóa cửa kĩ càng nhưng thi thoảng anh đãng trí, để mở cửa là lũ mèo sẽ oanh tạc đồ đạc nhà anh và lũ chim bay lạc tán loạn ở các tầng. Có những đêm, vợ chồng anh và cả hàng xóm mất ngủ khi lũ mèo đồng thanh kêu gào, đánh động lũ bồ câu làm chúng hoảng loạn vỗ cánh ầm ĩ trong đêm. Anh Hùng cứ đứng trên sân thượng nhà mình, cười trừ xin lỗi những người hàng xóm mở cửa sổ, hét sang nhà anh phàn nàn. Lũ cá cảnh rất yên tĩnh nhưng để chăm chút cho chúng, anh Hùng cũng phải tiêu tốn không ít tiền bạc. Từ hệ thống lọc nước, ánh sáng, thức ăn và cả trang trí bể cả, tính ra tất cả cũng đã lấy của anh tiền chục triệu trở lên. Chưa kể đến chuyện thi thoảng anh lại phải rút tiền bồi thường thiệt hại cho hàng xóm bởi lũ mèo nhà anh chạy nhảy làm vỡ đồ, hư đồ trong nhà họ.

Nhà chị cũng trở thành tụ điểm hội họp để phổ biến kinh nghiệm, kĩ thuật nuôi cá, nuôi chim của chồng và các bạn chồng. Mỗi lần hội họp, nhà chị Lan lại ầm ĩ vì bạn của chồng đến, ai cũng mang theo thú cưng của mình. Mỗi thú cưng góp một tiếng kêu, thế là thành náo nhiệt. Chị đã không ít lần giận dữ với chồng vì chuyện thú cưng của anh nhưng anh rất hiền, lần nào cũng tìm được cách bào chữa dễ thương nên nói câu trước câu sau, chị lại tan giận luôn. Lấy một ông chồng mê thú cưng, chị Lan cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Từ ngày "gia tài" của chồng chị tăng lên, hai người chưa bao giờ được đi nghỉ với nhau vì anh Hùng chẳng thể nhờ ai chăm sóc hộ anh mấy con vật yêu quý dù là chỉ trong một ngày được.

Chuyện con cái anh cũng chưa tính đến vì "giờ vợ chồng mình vẫn còn trẻ" nhưng chị Lan biết chắc, anh sợ có con thì thời gian chăm sóc đám thú cưng của anh sẽ bị giảm đi nên anh vẫn còn chần chừ mãi. Chồng yêu thú cưng nên thành ra, sinh nhật năm nào chị cũng được chồng tặng thú. Anh vừa có tiếng là tặng quà vợ lại vừa có thú để nuôi. Sinh nhật chị năm đầu tiên sau khi cưới nhau, chị hí hửng, hồi hộp đợi quà. Nhìn nét mặt anh vui vẻ và háo hức khi đợi chị bóc quà, chị càng sung sướng, chắc mâm đây là món quà vô cùng đặc biệt. Nhưng khi mở hộp quà ra, chị ngã ngửa vì trong đó là đôi cá cảnh. Anh chồng còn hồ hởi: "Loại này dễ nuôi lắm. Mẹ nó cứ bò lên bể trên tầng, mọi chuyện chăm sóc cứ để tôi lo".

Chị đi công tác ở đâu, gọi điện hỏi chồng để mùa quà, anh cũng chỉ dặn mua toàn những thứ cho chim, cá và mèo của anh. Chị đi nước ngoài thì nhất định phải mua cho anh thúc ăn cho mèo, cho cá và cả cho chim. Có lần anh còn năn nỉ chị mua cho anh một cái lồng chim mang về vì anh muốn "xem ở Tây người ta cho chim sống trong lồng như thế nào". Mà thứ quần áo đồ hiệu chị mua cho anh, anh đều không ngần ngại mang đi lót ổ cho mèo. Mèo đẻ lứa nào, anh nuôi hết lứa đấy, nhất định không cho ai cả dù có nhiều người xin. Anh nói, không ai lại tách con ra khỏi mẹ, tách mẹ ra khỏi con, tội nghiệp. Không ngăn được niềm đàm mê của chồng và đám thú cưng chị Lan đành "sống chung với lũ", vả lại, "chẳng ai lại đi bỏ chồng vì chồng yêu thú cưng cả" - chị Lan cười nói.

Bệnh từ thú cưng

Những người chủ yêu thú cưng quá đà gây ra những lục đục trong gia đình. Nhiều người gọi đùa đó là "hiểm họa" thú cưng nhưng bản thân thú cưng cũng có thể gây ra những hiểm họa thực sự cho chủ của mình bởi những kí sinh trùng sống trên người chúng.

 

Gia đình chị Minh đã vô cùng hốt hoảng khi cô con gái 10 tuổi của anh chị bỗng dưng không nhìn thấy gì nữa và bác sĩ kết luận có thể cô bé sẽ bị mù vĩnh viễn. Chị Minh cho biết, trước đó, Trâm Anh, con gái chị, đã kêu mắt mờ nhưng chị chỉ nghĩ đó là do con chị xem hoạt hình nhiều quá nên mắt bị mỏi và mờ. Thế nên chị chỉ mua thuốc nhỏ mắt và viên sáng mắt cho con uống. Sau đó chị không thấy Trâm Anh nói gì về chuyện mờ mắt nữa nên chị ngỡ mọi chuyện đã ổn. Đến tận khi không nhìn thấy gì nữa, Trâm Anh mới nói với bố mẹ. Vợ chồng chị càng không ngờ con gái mình bị như vậy là do chú chó cưng trong nhà gây ra.

Bác sĩ cho biết, bệnh của Trâm Anh là do giun đũa chó gây ra. Ấu trùng của nó dính trên lông, do thói quen ôm ấp và thậm chí là ngủ cùng giường với chó cưng của Trâm Anh mà những ấu trùng này đã bám vào tay cô bé vào đi vào trong cơ thể Trâm Anh qua đường ăn uống. Sau đó, những ấu trùng này sẽ theo đường máu và đi khắp cơ thể. Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở gan, các bộ phận nội tạng. Và đối với trẻ em, khi nhiễm, giun sẽ đi vào vòng sau của võng mạc và làm trẻ em bị mù từ từ. Hiện Trâm Anh vẫn đang trong quá trình điều tri và chú chó cưng của cả nhà đã được mang đi cho không thương tiếc dù để mua nó, chị Minh đã bỏ ra hơn 30 triệu.

Cũng bị mang bệnh từ thú cưng nhưng hậu quả mà chị Hằng phải chịu có phần đau đớn hơn khi đứa con mà vợ chồng chị mong chờ bị sảy do những con mèo của chị. Chị Hằng và anh Việt lấy nhau tới 7 năm thì chị Hằng mới mang thai lần đầu tiên. Thế là đủ để hiểu đứa con này của anh chị được mong chờ như thế nào. Khi mang thai, chị Hằng hết sức giữ gìn và cẩn thận thế nên chị không thể hiểu nổi vì sao mình lại bị sảy thai khi cái thai mới được hơn 3 tháng. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị nhiễm một loại trùng bào tử sống ở ruột mèo. Loại trùng này có khả năng làm suy giảm hệ miễn dịch khiến các mầm bệnh mới tăng sinh và xâm lấn các cơ quan khác trong cớ thể con người.

Trong nhà, chị Hằng nuôi tới 5 con mèo và kể từ ngày mang thai, chị ở nhà nên thời gian chơi với mèo cưng của chị cũng tăng lên. Mầm bệnh đã từ mèo cưng chuyển sang người chị và mang về cho chị kết quả đau lòng. Các bác sĩ khuyên rằng, phụ nữ mang thai không nên ở cùng chó mèo và trước khi có thai phải làm xét nghiệm tầm kiểm soát kí sinh trùng để chắc chằn thai nhi sẽ khỏe mạnh và không mang dị tật.

Nuôi thú cưng, yêu chiều thú cưng không phải là một việc xấu nếu bản thân người chủ biết tiết chế tình yêu của mình và không quá sa đà vào tình yêu ấy. Đó là điều tất yếu bởi ở đời, cái gì quá cũng không tốt, kể cả tình yêu.