Hiểm họa khôn lường trên mỗi cung đường bởi... rượu bia

ANTĐ - Mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ những tháng đầu năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn đó những nỗi lo khi mà phần lớn số vụ TNGT xảy ra, nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông...

Những chuyển biến tích cực từ tình hình TTATGT

Thông tin từ Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2015, toàn quốc xảy ra 5.851 vụ, làm chết 2.345 người, làm bị thương 5.488 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 731 vụ (-11,11%), giảm 82 người chết (-3,38%), giảm 974 người bị thương (-15,07%). Xử lý 947.693 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, kho bạc Nhà nước thu 616,41 tỷ đồng, tạm giữ 12.022 xe ô tô, 136.699 xe mô tô, tước giấy phép lái xe 85.217 trường hợp. Xử lý 45.542 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, kho bạc Nhà nước thu 23,215 tỷ đồng. 

Hiểm họa khôn lường trên mỗi cung đường bởi... rượu bia ảnh 1

Tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực 

Tại Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2015, số vụ tai nạn giao thông đường bộ đã giảm 6,7% còn 429 vụ; số người chết và bị thương cũng giảm lần lượt là 2,5% và 12,7 so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 153 người chết và 351 người bị thương...

Theo Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội, ngoài việc giảm về số vụ tai nạn giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội những tháng đầu năm 2015 cũng có chiều hướng tích cực. Về cơ bản, đã không còn xảy ra ùn tắc giao thông; không xảy ra tình trạng đua xe máy và cổ vũ đua xe máy trái phép. 

Gia tăng tình trạng vi phạm giao thông sau khi uống rượu bia

Mặc dù số vụ tai nạn giao thông trong cả nước những tháng đầu năm 2015 đã giảm, tuy nhiên, con số thống kê từ lực lượng chức năng cho thấy, phần lớn tai nạn xảy ra khi người điều khiển phương tiện đều đã sử dụng rượu, bia, chất có cồn, sau đó tham gia giao thông.

Hiểm họa khôn lường trên mỗi cung đường bởi... rượu bia ảnh 2

Uống rượu bia trước khi tham gia lái xe là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc

Từ năm 2010 đến nay, trên cả nước, tỷ lệ phát hiện, kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn tăng mạnh. Cụ thể, từ năm 2010-2014, lực lượng CSGT đã xử phạt 129.960 trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xử lý hơn 36.000 trường hợp vi phạm, 292 vụ tai nạn giao thông do rượu bia, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,9%, trong đó nam giới là 36,2%; nữ giới là 0,7%. Hà Nội có khoảng 40% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và 11% nạn nhân tử vong cũng do nguyên nhân trên.

Nghiên cứu trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia do đại học Y Hà Nội và bệnh viện Việt Đức thực hiện cho thấy, 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu vượt quá 50mg/100ml. 

Tác hại của rượu bia đối với đời sống xã hội

Rượu là một dung dịch gồm nước và cồn mà tác nhân gây ra hậu quả tác hại của rượu là cồn Ethylic. Sau khi uống rượu, có đến 80% cồn hấp thụ tại ruột non và dạ dày; có 75% cồn ở trong máu lên não, làm giãn mạch máu não và tăng khối lượng não ra giai đoạn đầu kích thích nói nhiều và tất cả những hoạt động của chúng trở nên hỗn loạn, vô tổ chức.

  Hiểm họa khôn lường trên mỗi cung đường bởi... rượu bia ảnh 3

Uống rượu thường xuyên sẽ làm tế bào gan bị thoái hóa mỡ và hoại tử thay thế bằng các tế bào xơ, dẫn đến xơ gan cùng triệu chứng say gan và khả năng tái tạo tế bào gan sẽ không hồi phục được nữa. Rượu còn ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, rượu gây ra viêm dây thanh quản làm cho giọng nói khàn đặc, các túi phổi, phế nan thấm rượu sẽ mất tính đàn hồi co giãn để trao đổi khí. Rượu làm cho hồng cầu trương nở, làm máu lưu thông chậm dẫn đến thiếu máu cơ tim gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh đó, người say rượu thường không làm chủ hành vi của mình, nên gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội. Rượu bia tác động hệ thần kinh trung ương, kích thích tâm lý và gây cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi. Nó làm cho thời gian phản ứng của lái xe chậm lại, quá trình suy nghĩ thiếu sáng suốt, giảm khả năng tập trung khi lái xe và còn gây tác dụng phụ như mờ mắt và nặng tai… làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.

Người thường xuyên uống rượu còn gây tai nạn lao động, tai nạn giao thông cao gấp 3 lần người không nghiện rượu. Rượu còn là nguyên nhân của các vụ phạm pháp hình sự, những vụ gây thương tích và nhiều vụ vi phạm đạo đức xã hội do nghiện rượu. 

Do đó, người tham gia giao thông cần lưu ý: "Đã uống rượu bia thì không lái xe" mà "đã lái xe thì không uống rượu bia".