Hiểm họa khôn lường khi những "con nghiện" cầm vô lăng

ANTD.VN - Lái xe trong tình trạng buồn ngủ, lơ mơ hay thậm chí thèm thuốc…là tình trạng diễn ra phổ biến trong giới lái xe ben, xe container, xe khách đường dài. Và để chống lại những cơn buồn ngủ, thèm thuốc đó không cách nào khác là sử dụng những chất kích thích như ma túy, rượu bia…để đạp chân phanh “bốc” hơn.  Rồi hậu quả đằng sau của những cơn “phê pha” đó là tính mạng của bao người, là những nỗi ám ảnh đến thần người của mỗi gia đình.

Như ANTĐ đưa tin, ngày 2-1 vụ tai nạn kinh hoàng khi chiếc xe container chạy từ Long An đi TP.HCM đến ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An, đã đâm trúng hơn 20 người đi xe máy đứng chờ đèn đỏ. Hậu quả làm 4 người chết và hơn chục người bị thương.

Hiểm họa khôn lường khi những "con nghiện" cầm vô lăng ảnh 1 

Hiện trường vụ tai nạn giao thông kinh hoàng tại Long An

Theo thông tin từ Công an tỉnh Long An lái xe container trước khi gây tai nạn dương tính với ma túy và có nồng độ cồn trong máu cao. Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng lái xe sử dụng ma túy, rượu bia gây thảm họa trên đường.

“Ảo ảnh” sau tay lái

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, vụ tai nạn nói trên là lời cảnh báo mới nhất về tình trạng tài xế sử dụng ma túy, rượu bia gây thảm họa trên đường. Điều đáng nói, tình trạng này không phải mới xảy ra gần đây mà từ lâu đã được cảnh báo nhưng vẫn tồn tại, trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường.

 

Xe container lưu thông với mật độ dày đặc trên xa lộ Hà Nội (đoạn qua địa bàn Q.9, TP.HCM)

Sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng ở ngã tư Bình Nhựt, H.Bến Lức, Long An, ghi nhận tại vòng xoay Mỹ Thủy (P.Cát Lái, Q.2, TP.HCM), lượng xe container lưu thông qua khu vực này rất lớn nên CSGT luôn túc trực để điều tiết, phân luồng. Dù vậy, các tài xế xe container không hề nhẹ chân ga mỗi khi đường thông thoáng, vắng bóng lực lượng chức năng. Tiếng máy gầm rú, tiếng bóp còi inh ỏi của xe container liên tục vang lớn khiến nhiều người điều khiển xe máy đang chạy ở làn riêng biệt cũng phải giật nẩy mình.

Bà Vân, bán quán nước trên đường Nguyễn Thị Định, P.Cát Lái, Q.2, cho biết tuy đã sống và chứng kiến cảnh tượng container, xe ben chạy hà rầm suốt ngày đêm nhiều năm nay, nhưng bà luôn thấp thỏm lo sợ về mối nguy hiểm từ các phương tiện này. “Tôi bán hàng suốt đêm nên tôi chứng kiến có nhiều đêm, xe container lấn qua làn xe máy, chạy ầm ầm như ma nhập. Vì mưu sinh mới phải ra đây, chứ thực sự bất an lắm”.

Còn tại vòng xoay Phú Hữu (Q.9, TP.HCM), tuyến đường kết nối hai cảng lớn và nhà máy xi măng - nơi từng xảy ra nhiều vụ TNGT chết người liên quan đến xe ben, xe container - các loại phương tiện này chạy với tốc độ cao về hướng vòng xoay nhưng không giảm tốc độ mà liên tục bóp còi inh ỏi. Khi bất ngờ gặp xe máy phía trước, các tài xế phanh gấp, tạo vệt đen sì trên mặt đường. Theo lời người dân nơi đây, vòng xoay Phú Hữu (Q.9) thường xuyên xảy ra va chạm giữa xe máy và xe container, xe tải; nhẹ thì cấp cứu, nặng thì tử vong tại chỗ, đến nỗi từ lâu đoạn đường Nguyễn Duy Trinh từ vòng xoay Phú Hữu đến đường D990 được mệnh danh là “con đường tử thần”.

Tệ nạn bủa vây

Theo thông tin trên TPO, phần lớn tài xế đường dài đều là lái thuê. Trước mỗi chuyến đi, nhà xe, chủ hàng giao cả trăm triệu đồng cho họ mang theo làm lộ phí. Mỗi khi chờ lên xuống hàng, cửa khẩu ùn tắc, để “giết” thời gian, tài xế thường rủ nhau ăn thua trên chiếu bạc. Thực trạng này dẫn đến việc nhiều người “nướng” sạch tiền lương, tiền hàng của chủ, không ít tài xế vay mượn bạn bè, dẫn đến thâm nợ.

Đường cùng, nhiều người hút xăng, trộm phụ tùng xe để bán lấy tiền trang trải nợ nần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những tài xế thua cuộc. Chính sự ức chế thua cờ bạc của họ ấn lên vô lăng khi xử lý tình huống giao thông và rồi trong phút luống cuống, không kịp xử lý thì tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Còn đối với những tài xế mới vào nghề, để chống cơn buồn ngủ, nhiều người tìm đến chất kích thích…và nghiện ma túy lúc nào không hay. Khi tỉnh mới thấy nguy hiểm nhưng khi lên cơn “vật thuốc” thì... đâu lại vào đấy.

Và để có tiền mua ma túy thì phải chạy nhiều và chạy liều cho được nhiều chuyến. Chính cái vòng luẩn quẩn này đã đẩy tình trạng nghiện ngập trong đội ngũ lái xe container, xe đường dài mỗi ngày thêm phức tạp, và khiến cho tai nạn giao thông ngày càng gia tăng.

Tài xế dùng chất kích thích tràn lan

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 15.000 xe đầu kéo container và tồn tại nhiều vấn đề làm mất an toàn giao thông. Theo ông Quản, các vấn đề nổi cộm như: tài xế dùng bằng giả; tài xế sử dụng chất kích thích (ma túy, rượu bia…) trước khi lái xe vẫn còn phổ biến; các giấy chứng chỉ sức khỏe, đào tạo đạo đức, pháp luật... cho tài xế đang bị “bỏ quên”, không ai giám sát.

Các lái xe container sử dụng chất kích thích tràn lan khi điều khiển phương tiện

 “Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, UBND TP, Sở GTVT về tình trạng xe quá tải, tài xế dùng chất kích thích, dùng bằng giả... tràn lan gây mất an toàn giao thông nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan quản lý có giải pháp chấm dứt tình trạng này”, ông Quản nói.

Về việc tài xế sử dụng bằng giả, chất kích thích khi lái xe, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, cho biết, “đã nắm được vấn đề này và thường xuyên kiến nghị CSGT, Sở GTVT tăng cường công tác quản lý, kiểm soát để lập lại trật tự, tránh những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra”. Tuy nhiên, ông Tường cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về ý thức, đạo đức của tài xế.

Tiếp đó là sự giám sát của các chủ doanh nghiệp vận tải đối với tài xế do doanh nghiệp thuê và trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Song song đó, lực lượng chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện trường hợp tài xế dùng bằng giả, chất kích thích khi lái xe để ngăn chặn và xử lý hình sự.

Thực trạng lái xe container, xe đường dài nghiện hút đã đến mức báo động, hơn lúc nào hết, các ban ngành chức năng cần phải tìm cách rà soát, phát hiện nhằm loại bỏ vĩnh viễn những lái xe nghiện để tránh những mạng người mất “oan” chỉ vì hành vi vô trách nhiệm của những “con nghiện” sau vô lăng.