Hiểm họa khôn lường ẩn sau món đặc sản thịt chuột đồng

ANTD.VN - Thịt chuột đồng là món ăn “khoái khẩu” của không ít tín đồ nhậu ở Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau món đặc sản này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của người sử dụng.

Theo thông tin trên báo Đời sống pháp luật, mới đây, Bệnh viện Thượng Hải (Trung Quốc) đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi Xiaopeng (10 tuổi) bị ngộ độc vì ăn phải thịt xiên nướng làm từ chuột chết do đánh bả. Cậu bé đã suýt mất mạng do không được điều trị kịp thời bởi các bác sỹ phải mất thời gian tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh.

Xiaopeng vốn là một cậu bé khoẻ mạnh và hiếu động nhưng bỗng nhiên có hiện tượng chảy máu ở mũi, nướu và đi vệ sinh cũng thấy máu lẫn trong phân và nước tiểu có màu đen. Sau đó, Xiaopeng cảm thấy choáng váng và ngất.

Khi bố mẹ đưa tới bệnh viện địa phương, Xiaopeng được các bác sĩ chuẩn đoán có khả năng bị ngộ độc và đề nghị gia đình chuyển lên Bệnh viện Nhi thành phố. Tại đây, Xiaopeng đã rơi vào tình trạng hôn mê và được bác sĩ cho thở oxy, theo dõi ECG và xét nghiệm máu.

Kết quả cho thấy, chức năng gan, thận bị suy yếu và khả năng đông máu kém. Đội ngũ bác sĩ đã cho truyền vitamin K1, huyết tương, các thành phần đông máu, thuốc bảo vệ gan và thận để cứu Xiaopeng khỏi cửa tử.

Xiaopeng tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Thượng Hải để tìm ra nguyên nhân chính xác để điều trị dứt điểm. Sau khi được bác sĩ ở đây hỏi mình đã ăn uống gì ở ngoài vào thời gian trước, Xiaopeng mới nhớ ra đã ăn thịt xiên nướng ở một quán đối diện cổng trường.

Thịt khi đã được chế biến, tẩm ướp và nướng chín, rất khó để phân biệt được là thịt con gì (Ảnh minh họa)

Các bác sĩ nghi ngờ rằng Xiaopeng đã ăn phải thịt xiên làm từ chuột chết do đánh bả, vì trong bả chuột có thành phần chính là chất chống đông máu. Sau khi cha của Xiaopeng gửi mẫu máu tới Viện Nghiên cứu Khoa học ở Thượng Hải, kết quả cho thấy trong máu có chứa Difenacoum – chất chống đông của loại thuốc đối kháng vitamin K 4-hydroxycoumarin, thuộc nhóm thuốc chống đông máu thế hệ thứ 2.

Được biết, Difenacoum được sử dụng phổ biến như thuốc diệt chuột năm 1976 bởi thời gian chống đông máu dài và độc tính cao. Một liều thuốc này sẽ khiến chuột tử vong sau vài ngày nuốt phải.

Như vậy, người bán thịt xiên nướng đã dùng thịt chuột thay vì thịt lợn để tăng lãi. Cửa hàng có lẽ đã kinh doanh như vậy từ lâu cho đến khi làm phải con chuột bị chết do đánh bả và dẫn đến tai nạn nguy hiểm cho cậu bé Xiaopeng.

Tại Việt Nam cách đây hơn 2 năm cũng đã từng có trường hợp tương tự. Một bé trai 12 tuổi ở Đồng Tháp đã phải chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cấp ứu trong tình trạng xuất huyết dưới da toàn thân. Nghi ngờ bé bị suy giảm yếu tố đông máu gây xuất huyết, các bác sĩ áp dụng việc điều trị, tuy nhiên các triệu chứng không cải thiện.

Sau đó, người nhà cậu bé cho biết, bé rất thích ăn thịt chuột nên mẹ bé thường mua chuột về chế biến cho con ăn.

Từ chi tiết này, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm liên quan và đưa đến kết luận, tình trạng xuất huyết liên tục của bé không do các yếu tố làm rối loạn động máu mà do nhiễm chất độc warfarin - một độc chất có trong thuốc diệt chuột.

Nhiều mối nguy hại tiềm ẩn sau món đặc sản thịt chuột

Thịt chuột là món ăn “khoái khẩu” của nhiều người

Một bài viết trên báo điện tử Viet Q cho biết, tại các vùng nông thôn, sau mùa gặt, là lúc người dân đi săn chuột, ở thời điểm này chuột béo và thường dễ bẫy. Tại nhiều địa phương, thịt chuột đã trở thành đặc sản. Tuy nhiên, hiện nay, thịt chuột được bán khá phổ biến và hầu như có quanh năm. Nhiều món được chế biến từ thịt này như hấp, giả cầy, xào xả ớt,...

Chuột sống ở các cống rãnh tiềm ẩn nhiều mầm bệnh (Ảnh minh họa)

Theo tiết lộ của một người chuyên thu mua chuột, số chuột này được bắt cả ở các ống cống, rãnh mương, rãnh thoát nước,...nhưng cũng không đủ để cung cấp cho thị trường.  Hiện trên thị trường giá mỗi cân thịt chuột làm sạch, bóc tuyến hôi và ruột khoảng từ 80.000 – 100.000 đồng tùy vào kích cỡ. Để mua được số lượng lớn,khoảng từ 10kg trở nên thì cần phải đặt hàng trước khoảng 1 ngày.

Trong các tài liệu y học, thịt của loài gặm nhấm này luôn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Đặc biệt, trước đây chuột là loài trung gian truyền virus dịch hạch rất nguy hiểm cho con người. Hiện nay, tuy bệnh đã được khống chế nhưng nguy cơ về căn bệnh này vẫn còn tồn tại.

Theo Báo Pháp luật, trước đây ở nước ta đã có bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta từ chuột gây suy thận, suy gan. Các trường hợp bị nhiễm virus này chủ yếu do bị chuột cắn. Các chuyên gia cho biết khi tiếp xúc với thịt sống hoặc chế biến chuột, virus có thể lây sang người.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Thịt chuột là loại động vật có thể ăn được. Tuy nhiên, đây từng là động vật lây nhiễm dịch hạch - một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, người nhiễm bệnh có nguy cơ tử vong cao, bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Ở Việt Nam hiện nay dịch hạch đã được kiểm soát tốt. Nhiều năm gần đây, không có trường hợp mắc phải. Với những loài chuột sống ở cống rãnh, nơi thoát nước hay những nơi mất vệ sinh thì chuột có thể nhiễm nhiều vi khuẩn thậm chí có thể nhiễm chất phóng xạ. Còn đối với chuột đồng, do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan nên chuột cũng có thể nhiễm thuốc bảo vệ thực vật".  

Theo PGS.TS Thịnh, bất kỳ loài động vật nào khi chưa được chế biến không kỹ và không sạch, không nấu chín đều tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho con người. Ngoài ra, cần chú ý, nội tạng chuột có nhiều vi khuẩn, sán nên trong quá trình chế biến có thể lây nhiễm cho con người. Nếu ăn phải những con chuột bị đánh bả thì càng nguy hiểm. Khi chế biến cần loại bỏ nội tạng và nấu chín để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.

Chính vì những lý do trên, người dân nên cẩn thận khi sử dụng thịt chuột để làm thức ăn. Trường hợp vì lợi nhuận mà người kinh doanh buôn bán những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không an toàn là đã vi phạm Luật An toàn thực phẩm.

Mầm bệnh nguy hiểm khôn lường từ thịt chuột. Nguồn: VTV