Hiểm họa khi cho trẻ ngồi cùng ghế lái ô tô

ANTĐ - Thời gian qua, hiện tượng các bậc phụ huynh khi đi ô tô cho trẻ em ngồi trên ghế lái cầm vô lăng, thậm chí điều khiển xe không phải là chuyện hiếm. Việc làm này không chỉ gây mất an toàn cho chính người ngồi trên xe mà còn đe dọa tính mạng của những người tham gia giao thông khác.

Hiểm họa khi cho trẻ ngồi cùng ghế lái ô tô   ảnh 1Thắt dây an toàn là thao tác bắt buộc để giữ an toàn cho người ngồi trên ô tô

Đánh cược với mạng sống

Hiểm họa khi cho trẻ ngồi cùng ghế lái ô tô   ảnh 2

Mới đây, tại khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), chiếc xe ô tô 7 chỗ khi đang lưu thông trên đường đã đâm vào hàng rào chắn của bãi gửi xe dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Cú va chạm mạnh khiến chiếc xe này bị lật ngang. Theo thông tin ban đầu từ những người chứng kiến vụ việc, nguyên nhân tai nạn này là do người lái xe cho con nhỏ ngồi trong lòng mình và đứa trẻ xoay vô lăng khiến lái xe trở tay không kịp. Rất may tai nạn xảy ra vào thời điểm vắng người qua lại nên không xảy ra thiệt hại về người song đã khiến một đoạn hàng rào sắt của bãi gửi xe dưới chân cầu bị đổ.

Đây không phải là sự việc hy hữu. Trước đó, một đoạn clip dài hơn 3 phút ghi lại hình ảnh một bé trai khoảng 6 tuổi (ở Móng Cái, Quảng Ninh) đã điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường (dù có một người đàn ông ngồi sau) được tung lên mạng đã khiến người xem hốt hoảng. Còn tại huyện Tân Trụ (Long An) cũng đã xảy ra trường hợp lái xe chở rác để bé trai 5 tuổi ngồi ghế lái ôm vô lăng điều khiển chiếc xe có tải trọng lớn lưu thông trên quãng đường dài hàng cây số khiến người đi đường được phen náo loạn.

Những tình huống như trên thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh số ít người cho rằng việc đó không nguy hiểm vì người lớn đã kiểm soát được chân ga, chân phanh thì hầu hết đều phản đối hành động dại dột này. Chị Vũ Thanh Trúc ở đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, có lần lái xe vào điểm trông giữ, khi chị đang lùi xe vào chỗ đỗ thì đột nhiên có chiếc xe khác lao tới với tốc độ khá nhanh và chạm vào đuôi xe của chị.

Ra khỏi xe, chị ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân dẫn đến va chạm là do cậu con trai 4 tuổi của người lái chiếc xe kia ngồi ghế trước đã bất ngờ bẻ tay lái. “Rất may bố cháu bé đã đạp phanh kịp thời nên xe của tôi chỉ bị hư hỏng nhẹ, nếu không, hậu quả sẽ khôn lường. Tôi cho rằng, việc cho trẻ ngồi ở ghế lái, chạm vào vô lăng là việc làm vô cũng liều lĩnh. Nó không chỉ gây nguy hiểm cho trẻ mà còn hình thành trong chúng thói quen, ý thức coi thường pháp luật” - chị Trúc nói.


Hiểm họa khi cho trẻ ngồi cùng ghế lái ô tô   ảnh 3Công an TP Móng Cái xử phạt hành chính ông bố để con trai mình đùa giỡn với “thần chết” trên vô-lăng ô tô

Cần tuân thủ các quy tắc an toàn

Được biết, liên quan đến chuyện bé trai 6 tuổi lái xe ở Quảng Ninh nêu trên, Công an TP Móng Cái đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Đặng Văn T (bố cháu bé) theo Nghị định 171/NĐ-CP về hành vi cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, đồng thời ra quyết định tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Về biện pháp xử lý đối với các cá nhân vi phạm, đại diện Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua khi tham gia giao thông, một số ông bố, bà mẹ đã chủ quan khi để con nhỏ ngồi trong lòng, sau vô lăng. Việc làm này rất nguy hiểm vì trẻ nhỏ vốn hiếu động, có thể xoay vô lăng bất kỳ lúc nào. Nếu xảy ra tai nạn, không chỉ tính mạng của những người ngồi trên xe bị đe dọa, mà còn gây ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác. 

Bên cạnh đó, Nghị định 171/NĐ-CP cũng nêu rõ, phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với chủ xe ô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, chủ xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 205 Bộ luật Hình sự quy định, phạt tiền từ 3-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm đối với người điều động hoặc giao cho người không có giấy phép (hoặc bằng lái xe) hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. 

Theo thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt - trường Đại học Giao thông Vận tải, vị trí an toàn nhất cho trẻ nhỏ trong ô tô là hàng ghế phía sau tay lái, trường hợp có trẻ dưới 2 tuổi phụ huynh nên sử dụng loại ghế chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh. Để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, phụ huynh tuyệt đối không nên chiều theo sở thích của con, để cho trẻ ngồi cạnh ghế lái, đứng chơi tự do trong xe, hoặc ngồi trong lòng bố mẹ, sát vào vô lăng khi bố mẹ đang lái xe…