Hiểm họa H7N9

ANTĐ - Dù đã khiến tới 6 trong số 14 ca mắc bệnh tử vong song đến nay virus cúm A/H7N9 vẫn chưa được xác định có gây ra dịch lớn như đại dịch SARS hay cúm A/H5N1 hay không.

Hiểm họa H7N9 ảnh 1
Các nhân viên y tế tiến hành kiểm tra virus H7N9 tại một chợ gia cầm 
ở thành phố Thượng Hải


Thông báo mới nhất từ Trung Quốc cho biết đã có thêm một bệnh nhân mới, 64 tuổi là chủ một trang trại ở thành phố Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang nằm ở miền Đông nước này, tử vong vì nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9. Như vậy đây là ca tử vong vì bệnh cúm A/H7N9 thứ 6 ở quốc gia đông dân nhất thế giới này trong 14 trường hợp được xác nhận nhiễm chủng cúm gia cầm mới.

Trước đó, bệnh nhân cúm A/H7N9 đầu tiên của Trung Quốc và cũng là đầu tiên trên thế giới tử vong là một cụ ông 87 tuổi ở thành phố Thượng Hải, phát bệnh ngày 19-2 và tử vong ngày 4-3. Trường hợp tử vong thứ 2 là một nam thanh niên mới 27 tuổi cũng ở thành phố sầm uất Thượng Hải.

Theo ghi nhận của giới chức y tế Trung Quốc, tất cả các trường hợp tử vong vì cúm A/H7N9 đều có triệu chứng ban đầu là sốt và ho, sau biến thành viêm phổi cấp và khó thở. Đến nay, các chuyên gia y tế nước này chưa thể xác định được những trường hợp nhiễm bệnh và tử vong nhiễm virus từ đâu, trong hoàn cảnh nào...

Việc virus cúm A/H7N9 mới bùng phát tại Trung Quốc đã khiến giới chức nước này cũng như giới chức y tế quốc tế đặc biệt lo ngại. Trong đó lo ngại hơn cả là chưa xác định được ổ dịch cũng như cơ chế lây lan của dịch bệnh.

Ngay sau khi xuất hiện những trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã chia sẻ chuỗi gen của virus này cho các nhà khoa học khắp thế giới để giúp tìm hiểu xem nó hoạt động ra sao và có ở những loài vật nào. Kết quả ban đầu cho thấy virus H7N9 có thể lây lan thầm lặng giữa gia cầm không bị bệnh khiến việc lần ra chúng trở nên khó khăn. 

Vì thế, các nhà khoa học tại một số viện nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo khả năng phát hiện loại virus cúm gia cầm mới H7N9 còn khó hơn virus  H5N1. Virus mới này dường như đã biến đổi gene để có thể lây lan sang những động vật khác dễ dàng hơn, như lợn nên những động vật này có thể trở thành vật chủ để phát tán virus sang con người. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu không có hiện tượng gia cầm chết hàng loạt thì rất khó có thể tìm ra nguồn lây nhiễm và ngăn chặn sự lây lan. Chuyên gia và giới chức y tế thế giới lo ngại virus cúm A/H7N9 có thể sẽ là vấn đề lớn hơn đại dịch cúm A/H5N1 nếu nó tiếp tục lây lan ở Trung Quốc và sang các nước, vùng lãnh thổ bên ngoài.

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Fadela Chaib cho biết, đến giờ vẫn chưa có bằng chứng virus cúm A/H7N9 lây từ người sang người, đồng thời nhấn mạnh WHO đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để bảo đảm khống chế hiệu quả virus nguy hiểm mới này.