Hiểm họa chết người rình rập ở đường vành đai 3 trên cao

ANTD.VN - Vận tốc tối đa cho phép lên tới 90km/h, điều kiện mặt đường nhiều chỗ khá xấu, chỉ cần một va chạm, sự cố rất nhỏ cũng sẽ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên đường vành đai 3 trên cao (Hà Nội). Điểm đáng nói, không ít vụ TNGT xảy ra bắt nguồn từ ý thức của người điều khiển phương tiện thấp ở mức báo động khi di chuyển trên cung đường này.

Để phòng ngừa và hạn chế TNGT trên tuyến đường này, lực lượng CSGT Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp. Từ việc sử dụng mô tô chuyên dụng tuần tra, đánh dấu vạch sơn hiện trường hay xử lý các “xe ôm” tụ tập đón trả khách… cũng được đơn vị triển khai.

Tuy nhiên, nếu như ý thức của các lái xe không được nâng cao, đồng thời các bất cập liên quan đến công tác tổ chức giao thông chưa được giải quyết thì TNGT vẫn cứ rình rập bất cứ lúc nào.

Hiểm họa chết người rình rập ở đường vành đai 3 trên cao ảnh 1Khi xảy ra tai nạn, các lái xe chỉ còn cách đứng im chờ lực lượng CSGT phân luồng mới có thể thoát khỏi ùn tắc tại đây

Sự cố xảy ra: “Không lối thoát”?

Đường vành đai 3 trên cao từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thanh Trì chỉ có chiều dài chưa đến 10km, song trong thời gian gần đây lại là “điểm nóng” về các vụ TNGT nghiêm trọng. Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14 không khỏi lo lắng khi nhắc đến những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại đây cách đây chưa lâu.

Thời điểm xảy ra tai nạn vào rạng sáng, khi đó anh Nguyễn Văn Lý (SN 1972, trú tại Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) điều khiển xe ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Innova BKS: 29A-726.29 chạy với tốc độ cao tại đường vành đai 3 trên cao chiều từ Tam Trinh về Pháp Vân.

Khi đi đến đoạn đối diện với Toyota Pháp Vân gần cột đèn số hiệu SS3, lái xe đã không làm chủ tốc độ, lao thẳng vào thành cầu bên phải. Lực đâm mạnh đã khiến chiếc xe húc văng thành cầu, lao từ trên cao xuống đường Pháp Vân. Hậu quả vụ tai nạn đã khiến lái xe tử vong tại chỗ… 

“Thời điểm chiếc xe lao xuống từ khoảng cách hơn 3m, may mắn không có ô tô nào đi phía dưới nên đã hạn chế tối đa số người thương vong”, Trung tá Lê Văn Tiến nhớ lại. Ngay sau vụ TNGT trên, hàng loạt những vụ tai nạn khác như 5 ô tô đâm liên hoàn vào cuối năm 2016 vừa qua.

Thời điểm đó, chiếc xe tải hạng nhẹ đang lưu thông theo hướng cầu vượt Mai Dịch về Pháp Vân bất ngờ giảm tốc độ đột ngột. Hành động của lái xe này đã khiến cho 4 lái xe đi cùng chiều phía sau không kịp xử lý, húc vào đuôi xe nhau.

Đáng nói, sau khi được biết nguyên nhân xảy ra tai nạn, lái xe tải này cố thủ ngồi trong cabin nhiều giờ đồng hồ, khiến cho toàn bộ làn đường này bị ùn tắc nghiêm trọng. Cho tới 15h cùng ngày, giao thông trên tuyến đường này mới được trở lại bình thường. 

Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, Đội trưởng Đội CSGT số 7 thông tin, ngoài vụ TNGT này, thêm một vụ TNGT cũng với lý do tương tự trên đường vành đai 3 trên cao. Sau khi lái xe ô tô 4 chỗ bất ngờ giảm tốc độ đột ngột, 4 chiếc xe ô tô gồm cả xe con, xe tải đi phía sau đã không kịp tránh, đâm liên hoàn vào nhau.

Hiểm họa chết người rình rập ở đường vành đai 3 trên cao ảnh 2Nhiều vụ TNGT liên hoàn nghiêm trọng đã xảy ra do các lái xe phóng nhanh, không làm chủ tốc độ, giữ khoảng cách an toàn

Qua những “điểm đen”: Làm chủ tốc độ

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay tuyến đường vành đai 3 trên cao cho phép các lái xe chạy với tốc độ tối đa lên tới 90km/h. Với vị trí kết nối đặc biệt, mỗi ngày lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này rất lớn. Vào trước, trong và sau mỗi dịp lễ, kỳ nghỉ, việc phải tham gia giao thông trên tuyến đường này đã khiến không ít lái xe bị ám ảnh bởi nỗi lo ùn tắc.

“Cả dọc trục đường cao tốc trên cao từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thanh Trì rất ít điểm lên xuống, chính vì vậy khi xảy ra sự cố trên tuyến đường này thì các phương tiện chỉ còn một cách xử lý duy nhất là “ngồi chờ”.

Nếu như ý thức của các lái xe không được nâng cao, đồng thời các bất cập liên quan đến công tác tổ chức giao thông chưa được giải quyết thì TNGT trên đường cao tốc trên cao vẫn cứ rình rập bất cứ lúc nào.

Tính chất độc đạo của tuyến đường chỉ giúp cho các phương tiện chiếm lợi thế về tốc độ, quãng đường trong trường hợp tai nạn không xảy ra. Còn khi tai nạn đã xảy ra, chẳng có cách gì để lái xe có thể thoát khỏi đó trừ khi hiện trường tai nạn được di chuyển, giải quyết mới hết ùn tắc”, đại diện Đội CSGT số 14 đánh giá. Chưa hết, khá nhiều trường hợp lái xe ô tô, xe máy còn liều mạng khi điều khiển phương tiện đi ngược chiều.

Qua khảo sát thực tế, hiện nay, một số mặt đường của vành đai 3 và mặt cầu Thanh Trì có nhiều sống trâu, một số khe co giãn giữa các nhịp cầu không phẳng. Trong điều kiện mặt đường xấu như vậy, chỉ cần lạng lách xe hoặc lái xe phanh gấp tránh chướng ngại vật thì hậu quả sẽ khôn lường.

Đặc biệt, về ban đêm, điều kiện thời tiết xấu như mưa, sương mù khi tầm nhìn bị hạn chế, việc chạy với tốc độ cao trên mặt cầu, đường như hiện này là vô cùng nguy hiểm. Để hạn chế TNGT trên tuyến đường vành đai 3 trên cao, lực lượng CSGT vẫn đang căng mình ra tuần tra, xử lý vi phạm của lái xe điều khiển phương tiện.

Hàng ngày Đội CSGT số 14 bố trí CBCS ứng trực tại những điểm lên, xuống trên hai chiều đường cao tốc trên cao để chủ động trong công tác phân luồng, chống ùn tắc và TNGT.

Bên cạnh đó, đơn vị cùng với Đội CSGT số 7 bố trí các tổ tuần tra bằng mô tô, sử dụng bình sơn loại nhỏ đánh dấu hiện trường vụ TNGT, sự cố để nhanh chóng di chuyển phương tiện gặp nạn ra khỏi vị trí gây ùn tắc, giúp cho các phương tiện có đường để thoát tắc kéo dài.

Những điểm lên xuống hoặc các vị trí lái xe khách thường xuyên dừng đỗ đón trả khách, lực lượng CSGT cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cả lái xe khách và các “xe ôm” vi phạm. “Những biện pháp trên cũng chỉ là sự chủ động phòng ngừa của CSGT. Tuy nhiên, hiệu quả cao hay không thì còn phụ thuộc vào ý thức của chính những lái xe tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Bên cạnh đó, những hạn chế như mặt đường nhiều chỗ lồi lõm, gồ ghề, hệ thống vạch sơn, phản quang... cần phải được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đảm bảo các điều kiện an toàn cho các phương tiện đi lại thông suốt, tránh gặp sự cố hay TNGT liên hoàn”,  đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội nhìn nhận.

“Dọc trục đường vành đai 3 trên cao từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thanh Trì rất ít điểm lên xuống, chính vì vậy khi xảy ra sự cố trên tuyến đường này thì các phương tiện chỉ còn một cách xử lý duy nhất là “ngồi chờ”. Tính chất độc đạo của tuyến đường chỉ giúp cho các phương tiện chiếm lợi thế về tốc độ, quãng đường trong trường hợp tai nạn không xảy ra. Còn khi tai nạn đã xảy ra, chẳng có cách gì để lái xe có thể thoát khỏi đó trừ khi hiện trường tai nạn được di chuyển, giải quyết mới hết ùn tắc”.

Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội