Hiểm họa cây đổ mùa mưa bão

ANTD.VN - Cơn bão số 4 đi qua, gây thiệt hại nặng nề về người và của ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Tại nhiều tuyến đường Thủ đô cây cối bật gốc, đổ la liệt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã có ít nhất một người tử vong do bị cây đổ trúng.

Tử vong do bị cây đè

Khoảng 17h ngày 29-8, ảnh hưởng bởi bão số 4, Hà Nội bất ngờ có mưa lớn. Gió lốc giật mạnh khiến các phương tiện giao thông lưu thông khó khăn và nguy hiểm. Bảng biển quảng cáo, pano áp phích bị giật tung tơi tả, cây cối bên lề đường bật gốc, gẫy cành. Đặc biệt, Công an quận Tây Hồ thông tin, trong cơn mưa trên địa bàn có một nam thanh niên 26 tuổi tử vong do bị cây si lớn ven hồ Tây đổ trúng.

Người đi đường thiệt mạng do cây si đồ trúng

Đây không phải lần đầu tiên có người tử vong do cây đổ vào người trong cơn bão. 

Hiểm họa từ trên đầu rơi xuống 

Phần lớn cây xanh ở Hà Nội đều là dạng cây cổ thụ, lâu năm, nên sức bám đất ít nhiều đã kém đi. Dù các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện các biện pháp tỉa nhánh, cắt ngọn trước mỗi mùa mưa bão nhưng tình trạng cây gãy đổ, gây tai họa bất ngờ cho người đi đường vẫn tiềm ẩn. 

Cây lớn đổ ngang đường (Ảnh: Lao động)

Cùng với sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do việc thi công hạ tầng đô thị khắp nơi. Mưa lớn, đất nền yếu, lại thêm việc chặt rễ cây khi thi công công trình ngầm đã làm giảm độ vững chắc của cây, nên khi có gió giật mạnh cây rất dễ đổ.

Ngày 31/5/2019, Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 4615/SXD-HT về phối hợp trong công tác trồng bổ sung cây xanh tại các vị trí đấu nối giao thông.

Theo Sở Xây dựng, qua kiểm tra theo dõi hiện trường về công tác trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan, không gian xanh và công tác cấp giấy phép dịch chuyển cây xanh trên địa bàn thành phố, có trường hợp xin phép di chuyển cây mới trồng để đấu nối giao thông hoặc xén mở rộng hè đường, gây lãng phí và bức xúc dư luận.

Sở Xây dựng giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chỉ đạo các đơn vị trước khi thực hiện trồng bổ sung cây xanh phải kiểm tra, rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan để thống nhất các vị trí trồng cây.

Cây lớn đổ rất nguy hiểm (Ảnh: Đình Hưng)

Đồng thời, đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của thành phố cung cấp thông tin về vị trí, địa điểm các dự án cần phải giải phóng mặt bằng thuộc phạm vi đấu nối giao thông, xén mở rộng đường và cải tạo, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, gửi thông tin về Sở Xây dựng để phối hợp trong công tác đấu nối giao thông và trồng bổ sung cây xanh trên địa bàn thành phố.

Cần làm gì khi có bão lớn

Người dân nên có những biện pháp để bảo vệ an toàn cho bản thân trước tiên.

Khi xuất hiện giông tố, người dân cần nhanh chóng di chuyển đến các công trình công cộng được xây dựng kiên cố có mái che để tránh. Không di chuyển bằng xe máy, ô tô ra đường trong khoảng thời gian đó. Nếu chưa tìm được chỗ an toàn để trú ẩn, thì cần tránh xa các tuyến đường có nhiều cây cổ thụ.

Nghe các tin tức về giao thông và thời tiết để có những phán đoán hợp lý nhất khi ra đường.