Văn hoá ly hôn:

Hết yêu là thù hận

(ANTĐ) - Sai lầm lớn nhất của anh chị chính là kéo cả con mình vào những mâu thuẫn, thậm chí còn dùng con để trả thù, làm đối phương phải đau đớn.

Có câu “Một cuộc ly hôn tốt hơn còn là hôn nhân xấu”. Nhưng, thế nào là cuộc ly hôn tốt? Đó có lẽ là cuộc ly hôn có văn hoá – nơi mà cả người chồng và người vợ đều chấp nhận hiện thực, bình tĩnh trong cư xử và tôn trọng nhau dù cho giờ đây hai người đã đi về hai hướng.

Bối mẹ ơi, hãy tha thứ cho con

“Con ước gì mình được sống một cuộc sống bình thường. Con có cần gia đình đó phải hạnh phúc đâu, con chỉ cần nó đừng ảnh hưởng tới con, đừng làm con đau khổ. Và hơn hết, nơi đó bố mẹ con sẽ tôn trọng nhau vì đó đều là những người mà con yêu thương nhất…”.

Cha mẹ ly hôn - thiệt thòi nhất là con trẻ

Trong một lần cô giáo ra đề văn nói về ước mơ của em, con gái chị đã viết ra một bài tự sự buồn và già dặn hơn tuổi như vậy. Sau lần đó, cô giáo gọi điện đến nhà, hỏi chị có vấn đề gì với con gái không. Chị đành thú nhận với cô giáo rằng đúng là anh chị đã không thể cho con một gia đình bình thường có đủ bố đủ mẹ. Nhưng, có lẽ, hơn bao giờ hết, chị đã hiểu rằng, sai lầm lớn nhất của anh chị chính là kéo cả con mình quá sâu vào những mâu thuẫn giữa họ. Thậm chí, anh chị còn muốn dùng con để trả thù đối phương, làm đối phương phải đau đớn.

Anh chị ly hôn cách đây 4 năm, khi con gái chị được 3 tuổi. Nguyên nhân vì họ không thấy hợp nhau nên chia tay. Nhưng, dù hai người đã hai ngả, nhưng cả hai lúc nào cũng đau đáu nỗi hận thù về nhau. Chị cảm thấy anh đã cướp đi cả tuổi xuân của chị. Còn anh thì tiếc vì đã lấy phải người phụ nữ có nhiều tật xấu. Mỗi lần nghe tin chồng cũ có “người yêu mới”, chị lồng lộn không yên. Chị mất ăn mất ngủ, bỏ bê cả việc nhà. Chị nghĩ kế gửi con về cho bố rồi dặn nó phải quan sát xem có ai đến nhà, hình dáng ra sao, họ nói với nhau cái gì. Cuối tuần, chị háo hức đón con về, không phải vì được đoàn tụ với con mà chỉ là để đợi thông tin từ con. Con gái chị còn nhỏ, chưa hiểu hết ý đồ của chị, nó hồn nhiên kể có cô rất xinh tới nhà, nhưng sau bố lại cho con tiền đi xem phim nên con không rõ bố và cô làm gì, chị uất ức, bạt đầu con và gào lên: Đồ vô tích sự. Có mỗi việc đó mà cũng không làm được. Lần sau không khiến về đó nữa.

Từ đứa trẻ vô tư, con gái chị bắt đầu phải sống cùng nỗi bất hạnh của bố mẹ. Mỗi lần về nhà, thấy mẹ vui nó mới dám cười, mẹ buồn là phải len lén vào phòng. Giận chồng cũ, chị hậm hực ra mặt mỗi khi chồng không gọi điện tới nhà thăm con. Con gái chị biết ý, nghe điện thoại của bố mà phải thì thụp như ăn trộm. Nhiều lúc, chị bước vào phòng thì thấy con gái giật bắn mình, úp vội điện thoại xuống.

“Con sợ lắm, con mệt lắm. Bố mẹ hãy cho con sống bình thường”, tối đó, chị gọi con gái vào tâm sự, nó nói vậy. Mẹ thì giận bố, bố thì ghét mẹ. Mỗi lần con về nhà bố, mỗi khi ăn món gì, làm cái gì, bố cũng bảo: ở với bố sướng nhé, ở với mẹ mày có mà ăn cám. Bố so sánh mẹ với cô kia, rồi cả hai cùng cười vang khi tìm ra những nhược điểm của mẹ. Mỗi lần như thế, con khổ tâm lắm.

“Với con, bố mẹ đều đáng quý như nhau. Con không thể ghét mẹ để chiều lòng bố và ngược lại”, chị ôm đứa con gái nhỏ vào lòng,  nước mắt rơi lã chã xuống mái tóc non tơ của con. Con gái chị, chưa đầy 10 tuổi đầu, vì anh chị mà sớm già trước tuổi.

“Gà mái” một mình nuôi con

Theo quyết định của toà án, chị Phương sẽ là người nhận nuôi hai con sau khi vợ chồng chị ly hôn. Chồng cũ của chị có trách nhiệm gửi tiền nuôi con mỗi tháng 300.000 đồng cho tới khi con trưởng thành. Nhưng, khi toà vừa dứt lời thì dường như những lời có cánh của chồng chị cũng bay mất. Ra khỏi toà, anh ta dửng dưng nhìn chị, không thèm chào hỏi một câu nào rồi xách cặp đi thẳng về phía chiếc ô tô mới mua.

“Tôi nghĩ dù sao cũng đã là vợ chồng, chẳng nhẽ anh ta không thể chào tôi lấy một tiếng”, chị Phương tâm sự. Nhưng không…

Cắt đứt tình cảm với vợ, chồng cũ của chị Phương dường như cũng cắt luôn quan hệ với con. Anh ta chỉ gửi được tiền nuôi con cho chị được vài tháng, sau rồi thưa dần rồi hay thì mất hẳn. “Nhiều người khuyên tôi nhận tiền đó làm gì cho mang tiếng. Tôi lại nghĩ, anh ta vẫn là bố con mình, không lẽ mình không cho con nhận tiền của bố gửi. Thêm đồng nào cũng là thêm cơm ăn, áo mặt cho con…”. Nhưng từ khi chồng trốn tiền nuôi con thì chị gần như coi chồng đã “chết hẳn”. Chị không một lần gặp anh ta để đòi tiền. Vào cuối tuần, anh ta vẫn đàng hoàng đến nhà đón con đi chơi mà cấm hỏi chị lấy tiền đâu để nuôi con. Bạn bè của chị Phương nhiều người cũng rơi vào cảnh “gà mái nuôi con một mình”. Nếu tính số tiền nuôi con đằng đẵng bao năm thì đã lên tới cả vài trăm triệu. Trong khi đó, bề ngoài anh chồng cũ của chị Phương vẫn đi xe bóng mượt, vẫn áo quần oai phong… Chỉ có cái… hậu trường “lờ nuôi con” thì không ai biết.

Chị Ngọc (Thanh Xuân) khi ly hôn lại rơi vảo tình huống khác. Hai vợ chồng chị sống trong một căn nhà nhỏ có 16m2 trong một khu tập thể cũ. Trong khi đó, bao nhiêu năm, anh chồng làm ăn bên ngoài, lập quỹ đen, có phòng nhì, mua hẳn được căn hộ chung cư cao cấp. Khi việc bồ bịch vỡ lở, chị yêu cầu ly hôn, chị cứ ngỡ người chồng lắm tiền nhiều của kia sẽ để lại căn nhà cho mẹ con chị sinh sống. Nhưng, anh ta lồng lộn chạy ngược chạy xuôi để đòi chia tài sản.

Thậm chí, nhà có đồ đạc gì, anh ta cũng quay về kê biên, ghi rõ ra tờ giấy để lập biên bản yêu cầu chị ký vào. Anh ta sợ chị Ngọc trong lúc tranh tối tranh sáng sẽ tẩu tán đồ đạc. Mà đồ thì nào có gì nhiều nhặn. Cái ti vi, cái tủ lạnh, mấy cái quạt bàn, rồi gường tủ, anh ta chia rạch ròi không thiếu cái gì. Chị lấy ti vi thì anh ta bê tủ lạnh, quạt 4 cái anh ta cho người mang đi 2.

Nhìn chồng như con hổ vồ  mồi, chị ứa nước mắt, ôm chặt đứa con vào lòng. Anh ta có nghĩ rằng, anh đang “trấn lột” chính đồ đạc của con anh ta không. Khi anh ta dọn đi, căn nhà trống hoác, chị ném cho chồng cái nhìn uất hạn mỉa mai: Vẫn còn một thứ đồ anh chưa bê đi, đó là nửa cái bệ xí bệt. Nghe chị nói vậy, anh chồng cũ cụp mắt, đi thẳng.

Tài sản nhỏ thì vợ chòng chị tự giải quyết. Đến cái nhà con con, chồng chị nằng nặc đòi chị đưa tiền nửa cái nhà. Chị không có đồng nào vì lương giáo viên, làm gì có vài trăm triệu. Anh ta liền đòi đổi vai, đưa cho chị 300 triệu và yêu cầu chị dọn đi, vì anh ta đã mua nửa suất nhà của chị. Cầm vài trăm triệu trong tay, chị thành người vô gia cư vì làm sao mua được căn nhà nào với từng đó tiền.

Chị đành dọn về ở nhờ nhà em trai. May mà em chị cũng thông cảm, cho chị ở nhờ một tầng. Hai mẹ con dựa vào nhau mà sống. Từ chỗ là đứa trẻ yêu đời, con chị sống khép kín và tỏ ra uất hận bố ra mặt. Còn căn nhà, nghe đâu chồng chị đã cho thuê, được 2 triệu một tháng. Số tiền đó chỉ bằng một phần mười mức thu nhập hàng tháng của anh ta.

(Còn nữa)