Hết Tết đi, lo Tết lại

ANTĐ - Ở hầu khắp các xã trong huyện Sóc Sơn, Hà Nội từ lâu vẫn tổ chức tục ăn Tết lại độc đáo, kéo dài từ mùng 4 đến 23 tháng Giêng.  Không khí của những ngày Tết lại thậm chí còn rộn ràng, nhộn nhịp hơn cả những ngày Tết Nguyên đán. Tháng Giêng là tháng ăn chơi.

Hết Tết đi, lo Tết lại ảnh 1Một điểm đánh tổ tôm công khai trên đường thôn Đông Bài

Tết lại giống như ngày cúng rằm của các nơi khác, nhưng mở rộng hơn về quy mô. Những xã làm Tết lại “to có tiếng” là xã Mai Đình, Đức Hòa, Bắc Sơn, Hiền Ninh, Tiên Dược... Cụ Ngô Văn Bổn, 83 tuổi, người thôn Thế Trạch, xã Mai Đình nhớ lại: “Ngày trước các cụ có dựng cây nêu ngày Tết, đến lúc hạ cây nêu thì con cháu đi làm ăn hoặc lấy chồng xa tự biết mà về. Đến hẹn lại về nên dần dần mọi người gọi dịp này là Tết lại”.

Trước đây, Tết lại còn bao gồm cả lễ cúng “Kỳ Yên” (cầu cho quốc thái dân an). Nhà nhà mua vàng mã, voi, ngựa, lọng, thuyền, hình nhân... để đốt suốt từ đêm 12 đến hết ngày 13 âm lịch. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nghi thức này đã bị bỏ. Thay vào đó, các thôn tổ chức những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng như diễn văn nghệ ngoài đình làng, chùa làng, vui chơi có thưởng... Thôn Thế Trạch thậm chí còn tổ chức rước kiệu, múa sư, thuê đoàn hát quan họ về...    Nghi lễ thì giản lược, nhưng việc tổ chức ăn uống, mời khách thì càng ngày càng mở rộng. “Tết lại to hơn Tết đi nhiều, kinh phí gấp đôi gấp ba. Nhà không có cũng phải cố làm được 2-3 mâm cơm mời họ hàng, bè bạn. Nhiều nhà trong làng còn bắc rạp, thuê bàn ghế như đám cưới, ăn uống linh đình suốt 2 ngày, kinh phí có khi lên đến 30-40 triệu đồng là chuyện bình thường”, bà Nguyễn Thị Đường, 43 tuổi, người thôn Đông Bài, xã Mai Đình giải thích.

Dọc những con đường dẫn vào các làng, đâu đâu cũng thấy căng rạp. Dưới tiết mưa xuân, người người đi lại, chúc tụng, cười đùa ồn ã, sự náo động ùa vào cả những con ngõ sâu nhất làng. Xe taxi đỗ kín mọi ngả đường, kiên nhẫn chờ đợi những gia đình xa quê về ăn Tết muộn.

Những ngày này, cả làng cùng làm cơm, cả làng cùng đi ăn Tết. Cỗ làm ra còn sợ không có người đến ăn. Bởi vậy, mới có câu chuyện vui “tranh khách” trong dịp này, khách vừa ngồi đã có người nhắc khéo: “Anh ăn nhanh bên này rồi qua nhà em nhé!”.

Nét buồn trong ngày vui

Tồn tại hàng nghìn năm nay, Tết lại ở Sóc Sơn đã ít nhiều bị biến tướng. Khách thập phương khi đến Sóc Sơn lần đầu đều choáng váng về độ “chịu chơi” của người dân nơi đây. “Nhiều người cho là lãng phí nhưng họ không quan tâm, có nhà sẵn sàng mở rộng cỗ để thu về tiền mừng tuổi cho con cháu và các cụ cao tuổi trong nhà”, anh Ngô Đức Tuấn, Bí thư Chi đoàn thôn Thế Trạch cho biết.

Do ăn uống liên miên, hiện tượng quá chén dẫn đến mâu thuẫn, va chạm, thậm chí là đánh nhau cũng đã nhiều lần xảy ra. Say rượu cũng là nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông trong những ngày Tết lại.

Cách đây chục năm, hiện tượng đánh bạc diễn ra công khai trong nhà, ngoài ngõ, bởi theo lý giải của bà con thì “Tết lại là dịp để vui vẻ”. Tuy nhiên, những năm gần đây tệ nạn này đã được dẹp bỏ. Anh Ngô Văn Hoan, công an viên xã Mai Đình chia sẻ: “Do công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên của lực lượng CAX và CAH Sóc Sơn nên các tệ nạn trên đã giảm hẳn trong những năm gần đây. Xác định Tết lại là dịp cao điểm nên CAX đã tăng quân số trực, tăng cường công tác nắm tình hình tại địa bàn, sẵn sàng can thiệp kịp thời tại những điểm nóng”…