Hết lớp 9, học sinh có thể đi làm?

ANTĐ - Sau 3 năm soạn thảo, ngày 5-8, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPT). Tuy nhiên, dự thảo này vẫn tiếp tục được hoàn thiện dựa trên những ý kiến đóng góp tới đây của người dân và các chuyên gia. 
Hết lớp 9, học sinh có thể đi làm? ảnh 1

CTGDPT mới yêu cầu học sinh hình thành những phẩm chất, năng lực cụ thể từng bậc học 

Hết lớp 9 là “hoàn thiện học vấn phổ thông”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, điểm kế thừa của CTGDPT truyền thống là giáo dục phát triển con người toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”, hài hòa về thể chất và tinh thần… Tuy  nhiên, CTGDPT hiện hành chưa chú trọng yêu cầu phát triển năng lực và tiềm năng riêng của mỗi học sinh, vì vậy, đổi mới căn bản trong CTGDPT mới là phải khắc phục được hạn chế này, chú ý phát triển cả con người xã hội và con người cá nhân. 

Cụ thể ở bậc tiểu học, theo CTGDPT mới, phải chú ý yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực và nhấn mạnh định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Ở bậc THCS, học sinh được yêu cầu phải biết tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng.

Điểm khác biệt lớn nhất ở đây là với chương trình hiện hành, cấp THPT mới đặt ra mục tiêu “hoàn thiện học vấn phổ thông” còn CTGDPT mới đặt ra yêu cầu này khi kết thúc THCS. Theo giải thích của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, điều này có nghĩa học sinh học hết lớp 9 đã có thể ra xã hội làm việc.

Ở đây, sẽ hình thành sự phân luồng ban đầu giữa mục tiêu học nghề hay tiếp tục con đường học thuật. Như vậy, ở bậc THPT ngoài mục tiêu củng cố và phát huy kết quả của giáo dục THCS, sẽ tập trung giúp học sinh có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển và phát huy năng lực cá nhân.

3 phẩm chất và 8 năng lực cần có

CTGDPT quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông, bao gồm mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình giáo dục của từng cấp học. Dựa vào chương trình tổng thể, các chương trình môn học sẽ được xây dựng theo định hướng nội dung bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục.

Dự thảo CTGDPT lần này đã xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cần hình thành và phát triển cho học sinh nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành, vốn được cho là chưa cân đối giữa dạy chữ và dạy người.

Theo đó, các phẩm chất chủ yếu là Sống yêu thương: là phẩm chất biểu hiện qua yêu Tổ quốc, yêu thiên nhiên, nhân ái và khoan dung; Sống tự chủ: biểu hiện qua những đức tính trung thực, tự trọng, tự tin, tự chủ, chăm chỉ, ý chí, nghị lực vượt khó và tự hoàn thiện bản thân; Sống trách nhiệm: biểu hiện qua sự tự nguyện làm tròn trách nhiệm trong học tập và công việc, với tập thể và xã hội, chấp hành kỷ luật; tuân thủ pháp luật...

CTGDPT mới cũng yêu cầu học sinh khá nhiều năng lực như: Tự học; Giải quyết vấn đề và sáng tạo; Thẩm mỹ; Thể chất; Giao tiếp; Hợp tác; Tính toán; Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông...