Hết lo nơm nớp khi mua nhà trên giấy?

ANTĐ - Ngày 1-7-2015, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 chính thức có hiệu lực. Theo đó, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh. Với quy định này, nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng hẹn, ngân hàng sẽ có nghĩa vụ hoàn trả số tiền mà khách hàng đã thanh toán. 
Hết lo nơm nớp khi mua nhà trên giấy? ảnh 1

Quy định bảo lãnh căn hộ hình thành trong tương lai nhằm bảo vệ người mua nhà

Đang chờ hướng dẫn cụ thể

Theo khoản 1, Điều 56 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng trong trường hợp doanh nghiệp không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Ngân hàng bảo lãnh sẽ cam kết hoàn trả số tiền mà khách hàng đã thanh toán và các khoản tiền khác (nếu có) trong trường hợp chủ đầu tư chậm bàn giao sản phẩm.

Ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng: “Đây là quy định có lợi cho người mua nhà. Người mua nhà gần như không phải chịu rủi ro khi chủ đầu tư vi phạm thời hạn bàn giao nhà”. 

Mặc dù chỉ còn khoảng 1 tuần nữa Luật Kinh doanh bất động sản 2014 sẽ chính thức có hiệu lực, nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho biết: “Quy định mới được tất cả các doanh nghiệp cũng như khách hàng quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể. Có ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng nên lùi thời gian áp dụng”. 

Liên quan đến việc ban hành văn bản hướng dẫn, ông Đoàn Thái Sơn cho biết: “Việc bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28 năm 2012 của NHNN. Nói cách khác, ở thời điểm hiện tại, việc bảo lãnh đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. NHNN đã xây dựng và hoàn thành dự thảo cuối cùng của Thông tư thay thế Thông tư số 28, trong đó bổ sung thêm một số quy định cụ thể. Dự kiến, Thông tư

này sẽ được NHNN ban hành trong tháng 6-2015”.  

Giá nhà có tăng theo

Đây là câu hỏi được nhiều người mua nhà đặc biệt quan tâm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, trong công thức tính giá bán tại các hợp đồng, phải thể hiện rõ giá nhà tính theo m2 thông thủy, thuế VAT, phí bảo trì là bao nhiêu và cũng nên đề rõ phí bảo lãnh là bao nhiêu trong đơn giá.

Một băn khoăn khác của doanh nghiệp và người mua nhà là mức phí bảo lãnh sẽ được tính toán ra sao. Giải thích về vấn đề này, ông Đoàn Thái Sơn cho biết: “Luật có quy định rõ, mức phí bảo lãnh của ngân hàng thu của khách hàng sẽ do các bên thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Như vậy, mức phí này sẽ phụ thuộc vào một loạt yếu tố, trong đó quan trọng nhất là mức độ rủi ro của từng dự án mà ngân hàng tham gia bảo lãnh cũng như mức độ cạnh tranh. Các ngân hàng sẽ xếp hạng tín nhiệm đối với từng doanh nghiệp, đây là một trong những cơ sở quan trọng để ấn định mức phí. Với dự án có tài sản đảm bảo thì mức phí có thể được điều chỉnh giảm”. 

“Ví dụ, 1m2 nhà có giá là bán 25 triệu đồng, với căn hộ diện tích 100 m2 thì tới đợt cuối cùng trước khi nhận nhà, người mua sẽ nộp 70% giá trị hợp đồng, khoảng 1,7 tỷ đồng. Nếu mức phí bảo lãnh chiếm 0,5% khoản trên thì số tiền cụ thể là hơn 8 triệu đồng. Còn nếu doanh nghiệp tín nhiệm thấp, mức phí bảo lãnh là 2% thì số tiền sẽ lên tới 32 triệu đồng. Bỏ ra 8 triệu đồng để bảo lãnh cho một căn nhà trị giá 2,5 tỷ đồng sẽ không phải là quá lớn”, ông Nguyễn Quốc Hiệp tính toán. 

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, hiện đã có doanh nghiệp bất động sản hợp tác với ngân hàng để thực hiện bảo lãnh. Đặc biệt, chủ đầu tư và ngân hàng không tính mức phí bảo lãnh vào giá bán. “Không phải vì phí bảo lãnh mà thị trường sẽ “nguội” đi hay “ấm” lên. Bản chất việc thị trường “nóng” hay “nguội” là do cung - cầu chứ không vì phí bảo lãnh”, ông Vũ Văn Phấn chia sẻ.

Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ rõ: “Thời gian vừa qua, tại rất nhiều dự án, chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng nhưng sử dụng không đúng mục đích khiến dự án bị chậm trễ, không có khả năng hoàn thành và không bàn giao được nhà cho khách hàng theo đúng cam kết. Khách hàng muốn lấy tiền cũng không được nên xảy ra tranh chấp, bức xúc”.