Hết giờ hành chính, lại xuống khu dân cư

ANTD.VN - Đều đặn và cần mẫn, từ đầu năm 2017 đến nay, cứ ngoài giờ hành chính, các tổ công tác Đội cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, CAQ Long Biên, Hà Nội, lại tỏa xuống các khu dân cư, phối hợp cùng Công an cơ sở làm thủ tục cấp căn cước lưu động phục vụ nhân dân.

Tổ cấp Căn cước lưu động tận tình phục vụ trường hợp công dân cao tuổi, sức khỏe yếu

Trong số hơn 6.600 trường hợp công dân được cấp mới, cấp đổi căn cước từ đầu năm 2017 đến nay, có gần 1.200 trường hợp được cấp lưu động. Nhiều trường hợp trong đó là người già yếu, bệnh tật, neo đơn, gia đình chính sách, có công với Cách mạng.

Rõ chủ trương, kỹ từng thông số

Tổ chức cấp căn cước lưu động tại từng hộ dân, từng khu dân cư, là một trong những chỉ đạo xuyên suốt của Ban chỉ huy CAQ Long Biên đối với Đội cảnh sát QLHC về trật tự xã hội và Công an 14 phường trên địa bàn. Chủ trương ấy xuất phát từ thực tế, “nhiều công dân vì nhiều lý do khách quan không trực tiếp đến được CAQ để làm thủ tục cấp đổi, cấp mới căn cước, trong khi nhu cầu rất lớn. Nếu mình không nhiệt huyết, thì quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân tối thiểu ấy sẽ dễ bị bỏ qua”, Thượng tá Nguyễn Hồng Khanh - Phó trưởng CAQ Long Biên chia sẻ.

Cụ thể hóa chỉ đạo ấy, ngay từ đầu năm 2017, Công an 14 phường trên địa bàn quận Long Biên, với sự hướng dẫn của đội nghiệp vụ CAQ, đã hoàn thành việc khảo sát, phân loại đối tượng có nhu cầu cấp mới, cấp đổi Căn cước công dân.  Các trường hợp công dân có thể bố trí thời gian đến trụ sở CAQ để làm thủ tục, sẽ được phục vụ từ thứ hai đến sáng thứ bảy mỗi tuần. Trường hợp vì lý do khách quan, sẽ được đáp ứng nhu cầu cấp căn cước ngay tại nơi cư trú.

Trên cơ sở rà soát,  Đội cảnh sát QLHC về trật tự xã hội sẽ phối hợp với Công an cơ sở, thông báo trước lịch cấp mới, cấp đổi căn cước đến các tổ dân phố. Từ sau 17h, bộ phận cấp căn cước sẽ về tận khu dân cư; người già yếu, bệnh tật sẽ được phục vụ tại nhà. Trường hợp khác sẽ được thông báo để đến các điểm tập trung như nhà văn hóa, hay trụ sở UBND phường.

“Mỗi phường, từ sau 17h, chúng tôi sẽ tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết đến hồ sơ cuối cùng mới nghỉ”, chỉ huy Đội cảnh sát QLHC về trật tự xã hội chia sẻ và cho biết, một trong những yêu cầu của công tác cấp căn cước, là kiểm tra kỹ các “thông số” của công dân. Trường hợp nào thiếu ngày, tháng năm sinh, quê quán sẽ được hướng dẫn bổ sung đầy đủ, tránh để xảy ra bất tiện, thiếu sót đối với người dân, trong quá trình sử dụng căn cước về sau.

Linh hoạt cơ chế làm việc

Tìm hiểu công tác cấp Căn cước công dân ở quận Long Biên, chúng tôi phân vân một điều: vì sao cũng chỉ từng ấy biên chế, từng ấy thời gian, mà Đội cảnh sát QLHC về trật tự xã hội lại đầy đủ và linh hoạt được trong việc cấp tại trụ sở CAQ và đến từng phường? Đại úy Hoàng Thị Hạnh, tổ trưởng tổ Căn cước cho biết: “Đúng là biên chế của tổ chỉ có 5 cán bộ, chiến sỹ, nhưng khi khối lượng công việc nhiều, nhất là những đợt triển khai cấp căn cước lưu động, Ban chỉ huy CAQ đã xác định rõ: các bộ phận khác cũng phải cùng vào cuộc”.

Đến trụ sở Đội cảnh sát QLHC về trật tự xã hội ngày cuối tháng 4 vừa rồi, vừa bắt gặp tinh thần trách nhiệm của Đại úy Ngô Mạnh Thức, Thượng úy Đỗ Thị Thu Trang, chỉ một loáng, những người trẻ ấy đã cùng các đồng đội Trung úy Tô Hoàng Hiếu và Thiếu tá Nguyễn Thu Hiền “lăn xả”  ở phường Sài Đồng.

Cùng với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Cảnh sát khu vực, tổ cơ động cấp Căn cước công dân của Đội cảnh sát QLHC về trật tự xã hội tận tình đến tận nhà hướng dẫn người già yếu, bệnh tật hoàn thành thủ tục cấp căn cước. Cốc nước mát mà gia chủ chuẩn bị để mời các chiến sỹ Công an, chưa ai kịp uống, vì “chúng cháu vẫn còn nhiều việc đang đợi, cảm ơn các bác”…

100% danh sách những người trong diện cấp Căn cước công dân năm 2017 phải được hoàn tất thủ tục cấp mới, cấp  đổi. Đây là một trong những yêu cầu mà Ban chỉ huy CAQ Long Biên đặt ra với đội nghiệp vụ và Công an 14 phường. Thông qua đó, cán bộ chức năng kịp thời chấn chỉnh những sai sót, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, vi phạm quy trình, quy định trong công tác cấp căn cước. Một mục tiêu khác, là tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhân hộ khẩu, nâng cao trách nhiệm của lực lượng CSKV và ý thức chấp  hành pháp luật của nhân dân.