Hết cơ hội ra nước ngoài chữa bệnh, giới lãnh đạo châu Phi "xốc lại" y tế nội địa

ANTD.VN - Trong nhiều năm, các nhà lãnh đạo châu Phi đã bay tới châu Âu hoặc châu Á để chữa bệnh do hệ thống y tế trong nước yếu kém, trì trệ. Nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những hạn chế đi lại khiến cho tất cả mọi người, kể cả tầng lớp lãnh đạo cũng phải phụ thuộc vào các bác sĩ và hệ thống chăm sóc sức khỏe có sẵn.

Để làm gương, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari tuyên bố ngừng mọi chuyến bay tư nhân, dù các sân bay đều đã bị đóng cửa

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Aaron Motsoaledi vài năm trước đã chỉ trích: “Chúng ta là lục địa duy nhất mà hầu hết các nhà lãnh đạo tìm kiếm dịch vụ y tế bên ngoài. Chúng ta phải xấu hổ vì điều đó”. Nhưng hiện giờ, hơn 30 trong số 57 sân bay quốc tế của châu Phi đã đóng cửa hoặc bị hạn chế các chuyến bay. “Có lẽ dịch Covid-19 là cơ hội để các nhà lãnh đạo của chúng tôi xem xét lại các ưu tiên của họ” - ông Livingstone Sewanyana thuộc Tổ chức Sáng kiến Nhân quyền nói.

“Khó đỡ” nếu đại dịch lây lan

Trong khi hạn chế về đi lại được áp dụng, nhà phân tích chính trị ở Zimbabwe Alex Rusero cho biết, nếu nhà lãnh đạo châu Phi nào đó kiên quyết có lẽ họ vẫn có thể tìm cách ra nước ngoài. “Họ sợ chết đến mức sẽ làm mọi thứ theo ý mình, có thể là máy bay riêng đến bệnh viện tư ở vùng đất lạ”. Điều này là dễ hiểu bởi có lẽ không nơi nào tình hình ảm đạm như ở Zimbabwe, nơi hệ thống y tế đã suy sụp. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, gia đình bệnh nhân thường được yêu cầu mang theo găng tay và nước sạch. Các bác sĩ đã báo cáo phải thực hiện phẫu thuật bằng tay trần vì thiếu găng tay. 

Từ lâu, nhiều tổ chức đã kêu gọi các nước châu Phi tăng chi tiêu chăm sóc sức khỏe, nhưng lời kêu gọi không được đáp ứng kể cả khi lục địa này phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng lớn như Ebola, HIV hay sốt rét. Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe ở châu Phi vào khoảng 5% GDP, bằng nửa mức trung bình toàn cầu.

Ngân sách đôi khi được chuyển hướng sang an ninh hoặc đơn giản là bị biển thủ, tham nhũng. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Ethiopia chỉ có 3 giường bệnh trên 10.000 dân trong năm 2015, so với con số 20 giường trở lên ở châu Âu hoặc Mỹ. Cộng hòa Trung Phi chỉ có 3 máy thở trên phạm vi cả nước. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều quốc gia châu Phi sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu dịch Covid-19 lây lan. 

Cùng chung chiến tuyến

Châu Phi hiện đã xác nhận 8.039 trường hợp nhiễm Covid-19 với 338 trường hợp tử vong, 1/3 trong số đó là ở Algeria. Nạn nhân gồm cả các quan chức cấp cao như một số bộ trưởng ở Burkina Faso, một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Nigeria hay một phụ tá cho nhà lãnh đạo Congo. Ở Nigeria, một số người lo lắng Tổng thống của họ có thể đã bị lây nhiễm.

Từ lâu Tổng thống Muhammadu Buhari không xuất hiện trước công chúng, trong đó có nhiều tuần ông này đến London để điều trị các vấn đề sức khỏe. Người dân đã lên Twitter để hỏi tại sao ông không giải quyết vấn đề quốc gia khi các ca  nhiễm virus gia tăng.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế hệ mới ở châu Phi cũng mong muốn thể hiện phản ứng mạnh trong cuộc chiến chống Covid-19. Sau ca tử vong đầu tiên vì dịch Covid-19, Zimbabwe tuyên bố đóng cửa biên giới. Phó Tổng thống nước này, ông Constantino Chiwenga, người vừa đến Trung Quốc chữa bệnh hồi tháng trước đang chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng đặc nhiệm chống lại dịch bệnh. Tổng thống Botswana, Mokgweetsi Masisi, ban đầu đã bất chấp lệnh hạn chế đi lại để sang Namibia dự lễ nhậm chức lãnh đạo nước láng giềng, nhưng sau đó ông đã tự cách ly và nhắc nhở người dân ở nhà, gọi đó là “ranh giới giữa sự sống và cái chết”.

Các nhà lãnh đạo khác, bao gồm Tổng thống Burkina Faso, ông Marc Marc Christian Kabore và Thủ tướng Ethiopia, ông Abiy Ahmed đã đăng lên mạng xã hội hình ảnh họ làm việc qua cầu truyền hình để khuyến khích mọi người giữ khoảng cách. Nhưng dù vậy, giới phân tích vẫn cho rằng, hầu hết dân thường châu Phi vẫn khó tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết.