Công bố danh mục bài hát trước 1975:

Hết cảnh “Tiền hậu bất nhất”

ANTĐ - Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT&DL vừa công bố “Danh mục các bài  hát trước năm 1975 được phép phổ biến” trên 2 website của Cục và Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn. Đây là một động thái nhằm tháo gỡ những bất cập, khúc mắc trong công tác cấp phép biểu diễn một số bài hát được sáng tác từ trước năm 1975. 

Các sáng tác mới của ca sỹ Thanh Bùi cũng có tên trong danh mục

Minh bạch hóa chuyện cấp phép

Đây không phải lần đầu dư luận bàn tán xung quanh việc cấp phép biểu diễn đối với những bài hát trước năm 1975. Bởi đã từng có trường hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép và một thời gian sau lại có văn bản thu hồi giấy phép đã cấp, điển hình là trường hợp album “Tàu đêm năm cũ” của ca sĩ Vi Thảo. 6 tháng sau khi ký giấy phép đồng ý cho phổ biến bài hát trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn ký thêm quyết định thu hồi album với lý do bài hát không được phép… phổ biến.

Hành động “tiền hậu bất nhất” đã khiến cho album của Vi Thảo vừa tung ra thị trường chưa đầy 1 tháng đã bị thu hồi với lý do gỡ bỏ bài hát “Tàu đêm năm cũ”. Ca sĩ bức xúc, nhạc sĩ bức xúc, đến người nghe cũng bức xúc vì cách làm việc thiếu minh bạch của Cục. Để chứng minh sự minh bạch, mới đây Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cho công bố danh mục hơn 1.000 bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến. Tức là từ nay ca sĩ trước khi xin phép chỉ cần đối chiếu với danh mục, rồi cứ yên tâm biểu diễn, thu âm... mà không sợ Cục Nghệ thuật biểu diễn “đổi ý”.

Điều này cũng khiến đơn vị cấp phép cũng đỡ một phần việc. Bởi trước nay, đối với các bài hát được sáng tác trước năm 1975, quy trình xin cấp phép thường phải có thêm một khâu rắc rối là thành lập Hội đồng xét duyệt bài hát. Những bài hát nào đảm bảo các tiêu chí về mặt nghệ thuật và nội dung không vi phạm vào các vấn đề chính trị nhạy cảm của quốc gia sẽ được xét duyệt. Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, việc xét duyệt các ca khúc được sáng tác trước năm 1975 là việc bắt buộc phải thực hiện. Do mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử, bối cảnh xã hội khác nhau nên những bài hát này phải được đưa ra hội đồng xem xét có phù hợp phổ biến hay không. 

Về con số hơn 1.000 ca khúc

Việc xem xét, tổng hợp các ca khúc sáng tác trước năm 1975 để cấp phép phổ biến đã được thực hiện từ cách đây hơn 20 năm. Năm 1989, 49 bài hát sáng tác trước 1945 được phép trình diễn. Đến năm 1991, thêm 66 ca khúc trước 1975 được cấp phép. Một năm sau, thêm 66 ca khúc nữa, rồi thêm 90 ca khúc nữa. Cho đến nay, số ca khúc sáng tác trước năm 1975 được phép phổ biến đã lên hơn 1.000 và còn tiếp tục được bổ sung. Tất nhiên, con số đó không nhiều, nhưng vậy là “thoáng” lắm rồi. Thậm chí, đem chia hơn 1.000 ca khúc cho hơn 20 năm xét duyệt thì mỗi năm cũng chỉ có trên dưới 50 ca khúc được cấp phép. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, 1.000 tác phẩm trong danh sách đã phản ánh quá trình lao động cật lực của đội ngũ xét duyệt bởi quy trình thực hiện vô cùng vất vả. Nhất là khâu tập hợp tác phẩm vì có những tác phẩm không rõ tên tác giả, năm sinh, năm mất của họ, cũng như hoàn cảnh sáng tác. Đội ngũ xét duyệt phải lật lại và rà soát lại hồ sơ rất kỹ lưỡng để cung cấp cho độc giả những thông tin tin cậy nhất. 

Cũng phải nói thêm về tiêu chí xét duyệt. Trả lời về vấn đề này, ông Vương Duy Biên cho biết, tiêu chí xét duyệt ca khúc thực ra rất thoáng. Chỉ cần bài hát đó không vi phạm đạo đức, chính trị… không có ngôn từ thái quá, nhạy cảm là được chấp nhận. Vậy nên, không thể trách những người làm công tác xét duyệt bởi họ cũng phải cân đo, xem xét. Bởi như lời Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, quá trình xét duyệt phải được thực hiện một cách khoa học, thông thoáng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của tác giả, ca sĩ cũng như khán giả. Ông còn cho biết, ban đầu, danh sách định chỉ gói gọn trong số những bài hát được sáng tác trước năm 1975, nhưng cuối cùng, Cục quyết định công khai tất cả các bài hát được cấp phép. Thế nên, người ta thấy cả những bài hát rất mới như “Lặng thầm một tình yêu” (biểu diễn Thanh Bùi), Bonjour VietNam, I say gold (biểu diễn Phạm Quỳnh Anh, tác giả Marc Lavoine)… cũng xuất hiện trong danh sách. 

Tuy số bài hát chờ để xem xét cập nhật vào danh mục còn rất nhiều, nhưng chừng đó cũng đủ thấy sự cởi mở của cơ quan quản lý. Vấn đề đặt ra bây giờ chỉ là làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, lộ trình ra sao để không lọt ca khúc. Bởi xét cho cùng, nếu việc cấp phép cho những tác phẩm “đạt đủ các tiêu chí” càng nhanh chóng sẽ càng bớt thiệt thòi cho cả tác giả cũng như khán giả. Và trường hợp “Tàu đêm năm cũ” và nỗi khổ của ca sĩ Vi Thảo sẽ không còn lặp lại một lần nữa.