Hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn của Mỹ hú họa "5 ăn, 5 thua"

ANTĐ - Tiến hành đánh chặn 16 lần thì thất bại tới 8. Lần thành công gần đây nhất đã từ năm 2008, 3 lần liên tiếp gần đây đều thất bại. Người Mỹ có nên tin tưởng giao phó tính mạng của mình cho hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất này không? 

Ngày 5-7 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông báo, hệ thống phòng thủ tên lửa, đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa, phóng từ mặt đất của quân đội Mỹ thử nghiệm thất bại, tên lửa đánh chặn đã không thể phá hủy được mục tiêu. Đây đã là thử nghiệm thất bại thứ 3 liên tiếp của hệ thống tên lửa đánh chặn này.

Bộ quốc phòng Mỹ cho biết qua thông báo vắn tắt là quả tên lửa đánh chặn được phóng lên từ căn cứ không quân Vandenberg - California nhưng không thể phá hủy được mục tiêu là tên lửa đạn đạo tầm xa được phóng từ bãi thử nghiệm Ronald Reagan trên quần đảo Marshall, nằm giữa Thái Bình Dương. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành đánh giá toàn diện để xác định nguyên nhân thất bại của cuộc thử nghiệm lần này.

Theo nguồn tin từ Lầu năm góc, các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa phóng từ đất liền này đã diễn ra 16 lần nhưng tỷ lệ thành công chỉ là 8/16, đạt hiệu suất 50%, nhưng trên thực tế lần thành công gần đây nhất là từ năm 2008, còn sau đó 3 lần liên tiếp trở lại đây đều đã thất bại (2 cuộc thử nghiệm trước đều trong năm 2010).

Vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất

Quần đảo san hô vòng Marshall ở Thái Bình Dương là trường thử nghiệm tên lửa chủ yếu của quân đội Mỹ, họ đã tiến hành hàng trăm vụ thử nghiệm các hệ thống phòng thủ tên lửa khác nhau, đánh chặn các loại tên lửa phóng từ mọi vật mang trên máy bay, trên biển, trên đất liền nên đã rất quen thuộc với địa điểm này.

Các cuộc thử nghiệm đều tiến hành theo kế hoạch đã định, vị trí phóng và quỹ đạo bay của quả tên lửa duy nhất đã xác định trước. Đây là điều kiện lí tưởng để hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền này phát huy tác dụng mà nó vẫn liên tiếp thất bại thì nguyên nhân chính xác là do hệ thống này còn nhiều sai sót.

Giả sử trong điều kiện thời chiến khốc liệt, trên không có rất nhiều phương tiện bay khác nhau (chưa kể là các mục tiêu giả cũng được phóng lên để gây rối loạn), kẻ địch tấn công bằng hàng loạt tên lửa đạn đạo cơ động từ nhiều địa điểm, tấn công từ nhiều hướng với độ cao, quỹ đạo bay khác biệt thì chắc chắn các hệ thống đánh chặn này sẽ sụp đổ.