Hệ thống bán lẻ mới chỉ tăng về lượng: Cuộc đua mở rộng diện tích

ANTĐ - Hàng loạt các siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa, đi vào hoạt động thời gian qua cho thấy, hệ thống bán lẻ hiện đại Việt Nam đang mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên, tăng số lượng, diện tích bán lẻ, xây mới cửa hàng, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… có khiến ngành bán lẻ Việt Nam thêm mạnh lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam rất cao

Nhiều không thắng ít

Cuối năm 2013, hệ thống siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại Ocean Mart của Công ty cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail thuộc Ocean Group) tuyên bố, mục tiêu năm 2013 của doanh nghiệp là mở cửa 20 siêu thị trên toàn quốc và khi năm hết Tết đến, doanh nghiệp này hoàn thành được 50% mục tiêu. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Duy- Giám đốc Vận hành Ocean Retail cho rằng, mặc dù không đạt được mục tiêu về số lượng nhưng các siêu thị đã mở lại có diện tích lớn hơn dự kiến nên mục tiêu về diện tích của doanh nghiệp gần như đảm bảo. 

Trước đó, tại cuộc tọa đàm: “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức” được tổ chức hồi cuối năm ngoái, ông Trần Nguyên Năm- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, các tập đoàn nước ngoài mới chỉ chiếm 4%, khoảng 125 trung tâm thương mại (TTTM), trong đó TTTM của tập đoàn nước ngoài chiếm 25%. Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng: “Nhận định của báo chí, dư luận gần đây về thị trường bị thu hẹp do các nhà bán lẻ nước ngoài lấn sân thì cần xem xét lại và không thật sự chính xác. Thực tế các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang áp đảo và chiếm đa số”. 

Tuy nhiên, một chuyên gia thị trường tâm huyết khác lại thốt lên: “Bán lẻ ngoại đang lấn sân mạnh mẽ, kể cả sản xuất và phân phối. Tôi không đánh giá về con số thống kê, và theo tôi tỷ trọng bao nhiêu không quan trọng, mà vấn đề là năng lực cạnh tranh của bán lẻ trong nước với bán lẻ ngoại như thế nào. Không nên suy nghĩ lấy nhiều thắng ít, chúng ta nhiều chưa chắc chúng ta mạnh”. 

Điểm yếu của ngành bán lẻ 

Báo cáo của ngành bán lẻ Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO đề cập đến 4 điểm yếu cố hữu của ngành bán lẻ nội địa là: Thiếu chiến lược phát triển ở cả 3 cấp độ: cấp Nhà nước, ngành và doanh nghiệp; Vốn; Quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực; Cuối cùng là tính liên kết. Trong đó, chiến lược phát triển đang dần được hoàn thiện. 3 yếu tố còn lại thì giới chuyên gia rất băn khoăn về nguồn nhân lực và tính liên kết.

Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội chia sẻ: “Ngành bán lẻ Việt Nam mới có một số doanh nghiệp phát triển như: Sài gòn Co.op, Vinatext, Fivimart và một số siêu thị chuyên doanh điện máy, còn lại hệ thống bán lẻ chưa để lại ấn tượng gì”. Theo ông Vũ Vinh Phú, một số hạn chế của ngành bán lẻ đã được khắc phục dần. Thời gian gần đây Hà Nội có hàng loạt các trung tâm thương mại, chợ hiện đại như: chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da… mọc lên. Tuy nhiên, trên thực tế lại thiếu tiếng nói chung, chính sách phát triển nên dù hạ tầng được cải thiện thì chợ vẫn vắng người kinh doanh. “Khắc phục hạn chế kiểu này chẳng khác nào chỉ xây khung nhà to mà không sắm nội thất”!- ông Vũ Vinh Phú nói. Trong khi đó, nhà bán lẻ nước ngoài: Metro, Big C, Lion, Lotte, Aeon… vào tới đâu, xây dựng và hàng hóa lấp đầy luôn đến đó. Không những thế, nguồn nhân lực nội địa lại thiếu tính chuyên nghiệp, chưa tôn trọng cả đối tác cung cấp hàng hóa cũng như người tiêu dùng, thụ động ngồi chờ người mang hàng đến “xin” được bán và chờ khách hàng tới mua.

Tính liên kết của doanh nghiệp lại càng yếu, mạnh ai nấy làm.

Cách đây 4 năm, 4 “ông lớn” trong hệ thống bán lẻ Việt Nam là: Hapro, Satra, Phú Thái và Sài Gòn Co-op đã “bắt tay” nhau xây dựng một thương hiệu lớn, nhằm tạo thế cân bằng với các tên tuổi bán lẻ nước ngoài. Nhưng liên kết này đã không mang lại kết quả như mong đợi. Chủ tịch AVR phải thừa nhận, đây là “nỗi đau” của các nhà bán lẻ Việt Nam, còn các nhà bán lẻ trong mối liên kết này lại đang chờ cơ chế liên kết chặt chẽ hơn. 

(Còn nữa)