Hệ sinh thái bị hủy hoại vì săn hóa thạch voi ma mút

ANTD.VN - Tờ DailyMail (Anh) đưa tin, rất nhiều người đã đến vùng Siberia khắc nghiệt của Nga để săn lùng hóa thạch voi ma mút lông dài được cho là đã tuyệt chủng cách đây hàng chục nghìn năm. Hóa thạch voi ma mút có thể được bán trên thị trường chợ đen với giá vài chục nghìn USD.

Để có được những bức ảnh chân thực phản ánh cuộc sống của những tay săn hóa thạch voi ma mút, nhiếp ảnh gia người New Zealand - Amos Chapple đã vào vai một người đi tìm hóa thạch ở Siberi. Trở thành một thành viên của nhóm chuyên săn tìm hóa thạch voi ma mút, Amos Chapple kể lại: “Trong tuần đầu tiên, tôi không được nhóm trưởng giao bất cứ việc gì ngoài rửa bát và xẻ gỗ. Không ai muốn thấy sự xuất hiện của chiếc máy ảnh ở đó. Tôi đã phải rất khéo léo khi tác nghiệp”.

Hệ sinh thái bị hủy hoại vì săn hóa thạch voi ma mút  ảnh 1Sâu dưới lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, hóa thạch voi ma mút bắt đầu được đào lên

“Vàng trắng’” dưới lớp băng vĩnh cửu

“Sâu bên dưới lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, phần còn lại gần như nguyên vẹn của voi ma mút khổng lồ đã được lưu giữ hàng ngàn năm bắt đầu được đào lên. Vài năm trở lại đây, những kẻ săn trộm đã để mắt tới “vàng trắng” ở Siberi. Mỗi hóa thạch voi ma mút lông dài có trọng lượng khoảng 65kg có thể được bán với giá lên đến 35 nghìn USD trên thị trường chợ đen. Một chiếc ngà voi cũng có thể được bán với giá 14 nghìn USD”, nhiếp ảnh gia Amos Chapple nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên tờ Daily Mail vào năm ngoái, nhiếp ảnh gia Chapple từng cho biết rằng, trong khu vực mà anh đã đến, trung bình mỗi ngày có khoảng 50-60 tay săn hóa thạch voi ma mút hoạt động. Những tay săn hóa thạch đã sử dụng một số “thủ thuật” để tìm kho báu ẩn giấu trong tảng băng vĩnh cửu. Ban đầu, họ dùng những cây gậy nhọn để rà xem phía dưới băng, đất có dấu hiệu của hóa thạch hay không. Nhiều người sử dụng máy bơm nước từ các dòng sông và phun trực tiếp khu vực nghi có hóa thạch để việc tìm kiếm thuận lợi hơn.

Dẫu tay trắng vẫn liều

Nhiếp ảnh gia Amos Chapple cho biết thêm, việc khai quật hóa thạch không phải là công việc dễ dàng. Những kẻ săn trộm phải vất vả tìm ra  khu vực nghi có hóa thạch ở Siberia xa xôi, đồng thời phải trốn tránh sự tuần tra của cảnh sát.

“Thợ săn voi ma mút phải đi bằng thuyền trên những con sông nguy hiểm để đến khu vực xa xôi nghi có hóa thạch. Thị trấn gần nhất cũng phải cách đó vài giờ đồng hồ. Những thợ săn hóa thạch voi ma mút phải chịu đựng tiết trời băng giá trong thời gian kéo dài hàng tháng trời, đối mặt với sự tấn công của gấu cũng như dịch bệnh. Những người đàn ông sống trong lều tạm bợ giữa rừng, thường xuyên phải xa gia đình. Một số người đã dùng súng ngắn hoặc súng săn để xua đuổi gấu. Muỗi xuất hiện thành từng đám, vo ve theo người ở khắp mọi nơi. Cuộc sống nguy hiểm là vậy nhưng không có gì để bảo đảm rằng, họ sẽ tìm thấy thứ họ muốn. Phần lớn trở về tay trắng sau cuộc thám hiểm tốn kém”, Chapple cho biết.

Theo nhiếp ảnh gia Chapple, một vấn đề rất đáng lo ngại khác là việc khai thác, tìm kiếm hóa thạch voi ma mút có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sống. Những máy phát điện, máy bơm nước, các thiết bị dùng đào đất, phá băng được sử dụng tràn lan để khai quật các hóa thạch làm hỏng các tuyến đường thủy trong khu vực. “Dòng sông chảy trong khu vực vẩn đục như màu sôcôla và cá không còn xuất hiện. Nếu phương pháp khai thác này tiếp tục lan rộng thì hệ sinh thái sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng”, nhiếp ảnh gia Chapple bày tỏ sự lo ngại.

Voi ma mút được coi là động vật lớn nhất trên Trái đất trong thời kỳ băng hà (Ice Age). Trong thời kỳ lạnh, khô này, cảnh quan được tạo thành chủ yếu là đồng cỏ, thảo mộc và bụi cây. Động vật ăn cỏ chiếm ưu thế lớn được biết đến bao gồm voi ma mút, bò rừng, tê giác, ngựa… Voi ma mút phát triển trong khoảng 100.000 năm dưới khí hậu lạnh nhưng cuối cùng đã tuyệt chủng cách đây khoảng 12 nghìn năm trước.