Hệ lụy từ suy giảm kinh tế

(ANTĐ) - Cơn bão lịch sử của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã “nhấn chìm” những đầu tàu kinh tế khổng lồ như Mỹ, EU, Nhật Bản và giờ đây, cơn bão này đang ngày một tiến gần đến Việt Nam. Hàng loạt DN lớn, nhỏ đã và sẽ đóng cửa và hàng nghìn người lao động mất việc làm. ứng phó với hệ lụy này, cần một sự điều hành linh hoạt, nhanh nhạy và hiệu quả hơn của các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Hệ lụy từ suy giảm kinh tế

(ANTĐ) - Cơn bão lịch sử của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã “nhấn chìm” những đầu tàu kinh tế khổng lồ như Mỹ, EU, Nhật Bản và giờ đây, cơn bão này đang ngày một tiến gần đến Việt Nam. Hàng loạt DN lớn, nhỏ đã và sẽ đóng cửa và hàng nghìn người lao động mất việc làm. ứng phó với hệ lụy này, cần một sự điều hành linh hoạt, nhanh nhạy và hiệu quả hơn của các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Kỳ 1: Bài học từ 2 câu chuyện phá sản

Dãn việc là phương án cầm cự hiện nay của các doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Dãn việc là phương án cầm cự hiện nay của các doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Dư âm của vụ Công ty Sản xuất đèn hình Orion Hanel xin phá sản và cuộc rút lui trước đó của Công ty Sony Việt Nam vẫn còn âm ỉ khi mà quá nhiều bài học xương máu cho kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh được nhận ra.

Sai một ly, đi một dặm

Không ai ngờ rằng, sự mạnh dạn đầu tư, mở rộng qui mô sản xuất với nhà máy 2 sẽ là dấu chấm hết cho liên doanh này trong 4 năm sau. Ông Phạm Văn Dần - Chủ tịch Công đoàn Công ty Orion Hanel, người đã gắn bó với công ty 14 năm ngay từ ngày đầu thành lập kể lại.

Trong 10 năm liền từ khi bắt đầu sản xuất (năm 1995) Orion Hanel phát đạt, thịnh vượng và trở thành một điển hình thành công trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài của Hà Nội. Tổng doanh thu có lúc lên tới 200 triệu USD và thu nhập trung bình của người lao động lên tới 2,75 triệu đồng/người/tháng. Với số lượng hơn 1.000 công nhân khi đó, Orion Hanel còn dẫn đầu miền Bắc về phúc lợi xã hội cho người lao động.

Nhà máy 2 hoạt động đúng thời điểm khởi đầu sự thoái trào của sản phẩm bóng đèn hình màu và là sự bắt đầu lên ngôi của màn hình LCD, Plasma. Trong khi đó, dây chuyền 2 lại mới, hoạt động không ổn định nên sản phẩm làm ra hỏng nhiều. Ông Phạm Văn Dần nói, cứ làm được cái nào, bán ra là lỗ, không cạnh tranh nổi, càng bán càng lỗ và cuối cùng, không có đơn đặt hàng.

Dây chuyền 2 phải vay vốn nhiều, gánh nợ ngân hàng chồng chất và cuối cùng, ảnh hưởng tới toàn bộ công ty. Orion Hanel kết thúc với tổng nợ lên tới 47 triệu USD, trong đó, nợ bảo hiểm xã hội 327.000 USD, nợ bảo hiểm y tế là hơn 50.000 USD, nợ lương 1.700 lao động là 531.000 USD.

Ông Dần nhớ, dự án nhà máy 2 đã được rục rịch từ năm 2000 nhưng không rõ vì lý do gì, dự án bị chậm lại và 4 năm sau, tới năm 2004, mới được triển khai. Công ty đã sai lầm khi kéo dài dự án tới tận 4 năm trong khi, công nghệ điện tử thì thay đổi đến chóng mặt, năm nay đã khác biệt năm trước.

Các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, điện tử bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế
Các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, điện tử bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế

Cuộc rút lui hoàn hảo

Bình luận về câu chuyện này, ông Trần Quang Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Nam nói, chuyện phá sản nghe có vẻ ghê gớm nhưng thực ra, đó là cái chết đã được tiên đoán trước. Đó là vấn đề tầm nhìn về công nghệ. Orion Hanel không theo kịp sự tiến bộ của công nghệ. Nếu DN tỉnh ra, có thể liên doanh đến giai đoạn nào đó để phát triển. Đến khi không cạnh tranh nổi, công ty mẹ và đối tác Việt Nam không đủ vốn để đầu tư tiếp công nghệ cao thì đóng cửa là tất nhiên.

Còn với việc rút lui của Sony tại thị trường Việt Nam hồi tháng 8-2008 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là sự tính toán chiến lược kinh doanh ngay từ đầu. Khi Sony đầu tư vào Việt Nam, chỉ có mấy chục triệu USD, không lớn trong ngành điện tử. Họ đến Việt Nam chỉ thực hiện lắp ráp và bán trong nước.

Dự án liên doanh của Sony chỉ kéo dài 10 năm, đến năm 2004 là hết hạn, sau này, Sony xin gia hạn thêm vào năm 2006 và 2008 mới chính thức rút, còn dự án liên doanh của Orion Hanel lên tới 50 năm. 10 năm ở Việt Nam, Sony đã tận dụng chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước thật bài bản.

Thuế nhập khẩu linh kiện chỉ 15% trong khi, thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc tới 40%. Họ đã chọn đúng điểm rơi của thị trường, khi mà Việt Nam gia nhập WTO, không còn bảo hộ sản xuất trong nước nữa thì họ rút về. Rõ ràng, khi ấy, việc lắp ráp trong nước sẽ không còn hấp dẫn lợi nhuận bằng việc nhập khẩu nguyên chiếc. Chưa kể, đây cũng là thời điểm chúng ta mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ.

Ông Trần Quang Hùng bày tỏ, khi xin giải thể liên doanh, đối tác Việt Nam là Công ty Điện tử Tân Bình cũng kiếm được lợi nhuận, người lao động cũng thế. Cả 3 bên đều hoan hỉ. Tuy nhiên, khi Sony Việt Nam giải thể, DN Việt Nam không tự làm sản phẩm được. Đối tác nước ngoài chỉ chuyển giao phần lắp ráp chứ không chuyển giao công nghệ, thiết kế. Trong khi, để dạy được công nhân kỹ thuật lắp ráp thì chỉ học 10 ngày là xong. Đó là điều mà chúng ta phải xem lại chính sách.

Orion Hanel là sự minh chứng mạnh mẽ rằng, quy luật của kinh tế thị trường là khắc nghiệt, không trụ được trong cạnh tranh thì sẽ phá sản. Đầu những năm 90, Việt Nam đã có hơn 100 nhà máy lắp ráp tivi nhưng đến nay, con số này chưa đến 1 chục DN. Ngành điện tử có tốc độ thay đổi công nghệ cực kỳ nhanh.

Đó là sự chuyển đổi rất tự nhiên. Ông Hùng dự báo, đĩa nhạc CD sắp tới cũng không còn nữa, thậm chí là DVD bởi ngày nay, chỉ cần iPod  8G là nghe cả ngày không hết pin. Chiếc máy ghi âm bằng băng dần sẽ bị thay thế bằng những máy ghi âm số và là iPod đa chức năng.

Bài học xương máu đó rất đáng để cả phía DN và cơ quan Nhà nước suy ngẫm. Orionl Hanel phá sản không có gì đáng ngạc nhiên nhưng nếu bây giờ, những tập đoàn lớn như Canon, Intel hay Foxconn mà rút lui thì là chuyện lớn.                  

Phạm Huyền

Kỳ 2: Doanh nghiệp đóng cửa, công nhân đi đâu?