Hệ lụy từ nợ nần

ANTĐ - Liên tiếp xảy ra những vụ bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến vay trả “tín dụng đen” và nhiều giao dịch tiền bạc khác. Điều đó cho thấy hoạt động tội phạm trong lĩnh vực này rất phức tạp.

Đòi nợ bằng vũ lực

Hệ lụy từ nợ nần  ảnh 1
Công an Hà Nội đang kiểm tra hung khí, vũ khí trong một vụ bắt người siết nợ

Mặc dù vụ việc xảy ra được hơn 2 tháng và các đối tượng liên quan đều đã bị cơ quan công an bắt giữ, nhưng đến lúc này, anh Đỗ Văn H, SN 1984,  ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội), vẫn còn bàng hoàng mỗi khi nhớ lại lần bị nhóm “chủ nợ” hành hung để xiết nợ. Tham gia vào một canh bạc và thua sạch tiền, anh H đã vay của Hoàng Hữu Trường, SN 1988, trú tại xã Tàm Xá, huyện Đông Anh gần 40 triệu đồng. Sau nhiều lần đòi nợ nhưng không được, Trường đã tụ tập một số đối tượng ở cùng xã đi tìm, đưa anh H về một hiệu cầm đồ ở thôn Tàm Xá, xã Tàm Xá, tra tấn và ép “con nợ” phải điện thoại cho gia đình mang tiền đến trả. “Chúng dùng chân tay đấm đá tôi liên tục vào đầu và ngực. Đau quá, không chịu được, nên chúng bắt làm gì tôi cũng phải theo. Chúng lục lọi tài sản, lấy hết tiền trong xe ô tô của tôi và ép viết giấy nhận nợ 36 triệu đồng. Ngoài ra, chúng còn ép tôi phải cầm cố bộ giấy tờ xe ô tô với giá 36 triệu đồng…” - Anh H kể lại.

Cùng chung tình cảnh với anh H, chị Thái Thị D, SN 1976, ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội), cũng bị chủ nợ bắt giữ trái pháp luật. Vài năm trước, chị D vay của Nguyễn Thành Chung, SN 1981, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội) 100 triệu đồng và đã trả được một phần. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chị D không có tiền tiếp tục trả nợ cho Chung, liền bị đối tượng thuê ô tô đi tìm, bắt được ở chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Sau đó chị này bị đánh, ép lên ô tô đưa về một nhà trọ ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa giam giữ. Tại đây, Chung cùng đồng bọn tiếp tục đe dọa, ép chị D điện thoại cho người thân mang đủ 80 triệu đồng đến chuộc mới được về. 

2 vụ án nêu trên đều được Cơ quan CSĐT - CAH Đông Anh và Phòng CSHS - CATP Hà Nội phát hiện, giải cứu “con tin” kịp thời, không để phát sinh phức tạp. 

Thiếu hiểu biết pháp luật?

Thời gian vừa qua đã liên tiếp xảy ra những vụ sử dụng vũ khí “nóng” hoặc đe dọa sử dụng vũ khí “nóng” để giải quyết những khoản nợ khó đòi. Thông tin từ lực lượng CSHS - CAH Đông Anh cho hay: Phan Tự Tuấn, SN 1972, trú tại xã Võng La, huyện Đông Anh vừa bị cơ quan điều tra ra lệnh bắt khẩn cấp về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Do mâu thuẫn trong vay nợ giữa Tuấn với anh Phan Tự H, SN 1985, ở xã Võng La, huyện Đông Anh, Tuấn đã làm giả 2 bọc mìn bằng cát và bột chì để đe dọa gia đình anh H, hòng gây sức ép buộc anh H phải trả tiền. Theo Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội CSHS - CAH Đông Anh, hành vi phạm tội của Tuấn tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đã đe dọa, gây tổn hại trực tiếp đến tinh thần của người bị hại, làm ảnh hưởng đến ANTT chung trên địa bàn. 

Theo phân tích của lực lượng CSHS - CATP Hà Nội, những mâu thuẫn trong vay nợ, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bằng thủ đoạn cho vay lãi suất cao, các chủ nợ chuyên làm “tín dụng đen” đã xiết “con nợ” vào mớ bòng bong tiền bạc và không còn có cách nào thoát ra được. Chính từ cái vòng luẩn quẩn này, nhiều “con nợ” đã “bí quá hóa liều”, tìm cách “chơi” lại chủ nợ. Vụ Phạm Phương Nam, SN 1981, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), định dùng súng giải quyết mâu thuẫn với anh Vũ Hồng P, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), người cho Nam vay hơn 1 tỷ đồng là ví dụ điển hình. Sau khi cho Nam vay và đòi nhiều lần nhưng đối tượng này không trả, anh P quyết định đến nhà gặp người thân của “con nợ”, yêu cầu trả tiền. Ngay hôm sau, Nam giắt súng ngắn tự chế theo người, đến nhà bạn anh P ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), gây sự với chủ nợ. 

Liên quan đến những hệ lụy trong các cuộc vay nợ tiền bạc, luật sư Trần Thu Nam, Trưởng văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự - Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá để xảy ra tình trạng này, một phần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân và nghiêm trọng hơn là sự coi thường pháp luật của các đối tượng côn đồ. Muốn ngăn chặn có hiệu quả các vụ việc này, cần có sự tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến nhân dân, để họ hiểu được sự nguy hiểm của việc tham gia các hoạt động “tín dụng đen” và hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích có thể sẽ phạm tội giết người, xuất phát từ việc đòi nợ thuê.