Hệ lụy từ những khoản nợ khó đòi

ANTD.VN - Mâu thuẫn nảy sinh từ những giao dịch vay nợ tiền bạc thường dẫn đến cái kết “đắng” cho cả đôi bên và đã có không ít những vụ án mạng xảy ra từ nguyên nhân này.

Theo lực lượng CSHS - CATP Hà Nội, cách phòng ngừa phức tạp nảy sinh từ những giao dịch vay nợ tiền bạc tốt nhất, là lực lượng giữ gìn ANTT ở từng địa bàn phải nắm chắc hoạt động của các đối tượng kinh doanh tài chính bất hợp pháp, từ đó có những biện pháp răn đe, quản lý chặt chẽ.

Hung khí thu được trong các vụ án liên quan đến vay mượn tiền bạc

Mất mạng… vì tiền

Chập tối 2-3 vừa qua, anh Lê Ngọc T (SN 1984, ở phố Phạm Ngọc Thạch, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) đến nhà Đặng Văn Vinh (SN 1980, trú tại đường Lê Duẩn, quận Đống Đa) để đòi số tiền hơn 6 triệu đồng.

Trong quá trình đòi nợ, anh T đã dùng tay đánh Vinh và bị đối tượng này cầm con dao nhọn (loại dao gọt hoa quả) đâm 1 nhát vào cổ bên trái của anh T gây thương tích nặng. Lĩnh trọn cú đâm, anh T bỏ chạy ra ngoài và đã tử vong do mất nhiều máu.

Ngay sau khi vụ án mạng xảy ra, Cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CATP Hà Nội đã tới hiện trường làm rõ vụ việc và bắt giữ đối tượng gây án để điều tra, xử lý.

Vụ án mạng xảy ra cách đây chưa lâu tại nhà Phạm Văn Quân (SN 1990, ở thôn Lập Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn - Hà Nội) cũng liên quan đến vay nợ tiền bạc. Xuất phát từ mâu thuẫn trong vay mượn tiền bạc, giữa 2 thanh niên ở thôn Lập Trí là Phạm Văn Quân và anh Nguyễn Văn T (SN 1990), đã xảy ra đánh nhau. Trong lúc xô xát, Quân đã dùng dao nhọn đâm 1 nhát vào bụng đối phương gây nên cái chết của anh T.

Cơ quan CSĐT - CAH Sóc Sơn phối hợp với Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã làm rõ nguyên nhân vụ án mạng là do trước đó anh T vay của Quân 5 triệu đồng chưa trả. Sau nhiều lần bị Quân đòi tiền, anh T tìm gặp Quân để nói rõ việc chậm trả nợ vì khó khăn và 2 bên nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến vụ án mạng…

Tìm hiểu thêm những hệ lụy liên quan đến vay nợ tiền bạc, PV Báo ANTĐ được biết Nguyễn Văn Cường (32 tuổi), trú tại xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và Trần Cao Thái (23 tuổi), trú tại khu phố 1, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã gây ra vụ án mạng.

Theo thông tin của cơ quan công an, Nguyễn Văn Cường đã trực tiếp dùng dao phay chém vào cổ khiến anh T (26 tuổi), ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên tử vong. Ngay sau khi gây án, Cường bị lực lượng CSHS - Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ.

Tại cơ quan điều tra, kẻ sát nhân khai hành vi chém chết anh T là để bảo vệ ông chủ là Trần Cao Thái, khi đó bị đối phương dùng dao uy hiếp. Bản thân Cường chưa từng có tiền án, tiền sự gì. Quá trình điều tra, cơ quan công an được biết trước khi xảy ra vụ án mạng, giữa nạn nhân và Trần Cao Thái (chủ hiệu cầm đồ Trần Thái, ở khu phố 1, thị trấn Hương Canh) có mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền bạc.

Tối hôm đó, anh T một mình đến hiệu cầm đồ của Thái để thỏa thuận việc trả nợ và xảy ra xô xát với chủ hiệu cầm đồ… Sau đó, Cường là người làm thuê cho Thái tại hiệu cầm đồ đã dùng dao phay chém trúng cổ anh T dẫn đến tử vong tại chỗ.

Kiểm soát chặt hoạt động cho vay nặng lãi

Theo Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội, trong tình hình hiện tại, hoạt động cho vay “nóng” với lãi suất cao có diễn biến phức tạp. Một số nhóm đối tượng đã lợi dụng tình hình tài chính khó khăn hiện nay để hình thành các đường dây hoạt động “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Mục tiêu đối tượng hoạt động “tín dụng đen” nhằm vào cho vay là sinh viên, hay các đối tượng ham mê cá độ bóng đá, cờ bạc “lô - đề”, hoặc những người làm ăn nhỏ lẻ, ít vốn cần “giật nóng” vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng để đáp ứng nhu cầu cần đến tiền trong ngày…

Cũng từ đây phát sinh những khoản nợ khó đòi, dẫn đến các “dịch vụ” thu nợ ngoài luồng. Một số nhóm tội phạm đã lợi dụng hoạt động cho vay nặng lãi để ép trả nợ dưới nhiều hình thức như sử dụng chất bẩn, sơn, mắm tôm, dầu luyn ném vào nhà dân, hoặc bắt giữ người trái pháp luật để xiết nợ; hay nhắn tin đe dọa qua điện thoại di động…

Trước tính chất phức tạp về hoạt động kinh doanh tài chính bất hợp pháp, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện Kế hoạch 231 của Giám đốc CATP, tập trung phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức đấu tranh, triệt phá nhiều ổ nhóm chuyên đòi nợ thuê cho các đối tượng chuyên cho vay với lãi suất cao, hoạt động vi phạm pháp luật.

Gần đây, một số công ty thu nợ hoạt động phạm pháp đã bị lực lượng CATP Hà Nội kịp thời phát hiện, xử lý. Cùng với đó, nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động trong lĩnh vực thu hồi nợ cũng được lực lượng CSHS - CATP và công an các quận, huyện trên địa bàn phát hiện, bắt giữ.

Mặc dù lực lượng Công an thường xuyên đấu tranh, phòng ngừa hoạt động của tội phạm liên quan đến vay nợ tiền bạc, nhưng hệ lụy của nó vẫn gây ra nhiều phức tạp cho xã hội. “Để phòng ngừa những phát sinh phức tạp về ANTT liên quan đến hoạt động vay nợ tiền bạc, lực lượng giữ gìn ANTT ở từng cơ sở cần nắm chắc các đối tượng có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi để có đối sách quản lý. Những người có nhu cầu vay mượn tiền bạc cũng cần lưu ý nên đến các cơ sở kinh doanh tài chính do Nhà nước quản lý, hoặc các tổ chức được phép hoạt động thể thực hiện các giao dịch, tránh mắc phải “lưỡi câu” của các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, để rồi trở thành “con nợ” với những khoản nợ khổng lồ chỉ trong tích tắc, từ đó kéo theo những phức tạp về ANTT” - Đại tá Dương Văn Giáp nhấn mạnh.