Hệ lụy bút danh của các nhà văn

ANTD.VN - Không ít nhà văn đã chọn một bút danh mang ý nghĩa nào đó, thay cho tên khai sinh của mình khi cầm bút sáng tác. Nhiều người trong số đó đã hoàn toàn bị “biến mất” tên thật, bởi bạn đọc chỉ biết đến tên gọi của nhà văn gắn với những tác phẩm để đời. Đã có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khi nhà văn gặp phải hệ lụy bút danh...

Hệ lụy bút danh của các nhà văn ảnh 1Nhà văn Y Ban và nhà văn Sương Nguyệt Minh

Giới tính bị thay đổi

Nhà văn Y Ban thuở ban đầu bước vào làng văn chương lấy bút danh Phạm Xuân Ban (tên thật là Phạm Thị Xuân Ban). Hồi đó đăng những tác phẩm đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ quân đội danh tiếng, cá tính sáng tạo và văn phong độc đáo của Phạm Xuân Ban đã gây được sự chú ý đặc biệt với các biên tập viên (BTV) khó tính. Muốn gặp gỡ, trao đổi sâu hơn với tác giả về đời sống sáng tác, BTV đã viết thư mời tác giả lên Hà Nội. Đúng ngày giờ đã hẹn, Phạm Xuân Ban đến gõ cửa phòng BTV. Cánh cửa văn phòng mở ra cùng vẻ mặt ngạc nhiên cực độ của BTV khi biết Phạm Xuân Ban là phụ nữ. Sau này, Phạm Xuân Ban đã đổi thành Y Ban, thoạt nghe như tên một người dân tộc thiểu số vùng cao nhưng thực tế chỉ đơn giản là “Ban dạy trường Y” - nhà văn muốn gắn nghề dạy học tại trường Cao đẳng Y tế vào bút danh của mình. 

Khi đang còn là sinh viên Khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cái tên Võ Xuân Hà luôn được ghi trong danh sách là “nam sinh”. Vào danh sách nam sinh đồng nghĩa với việc hàng tháng sẽ bị cắt khoản phụ cấp đặc biệt dành riêng cho chị em phụ nữ, Võ Xuân Hà bèn thêm chữ “Thị” để khẳng định giới tính của mình. Sau này, từ biệt nghề dạy học để chuyển hẳn sang nghiệp viết văn, Võ Thị Xuân Hà trở thành bút danh duy nhất của nhà văn. Bạn đọc nhiều năm qua luôn ấn tượng với những tiểu thuyết, truyện ngắn lãng mạn nhưng cũng không kém phần dữ dội của nhà văn Võ Thị Xuân Hà mà ít người biết tên thật của chị không có “Thị”.

Sương Nguyệt Minh là bút danh của Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn (tạp chí Văn nghệ quân đội). Cách đây hơn 20 năm, khi còn đang công tác tại Bệnh viện quân đội 103, Nguyễn Ngọc Sơn đã bén duyên văn chương và có một số truyện ngắn được chú ý. Vì rất yêu gia đình, tác giả muốn lấy bút danh là tên ghép của mình (Sơn), tên vợ (Nguyệt – tức nhà văn Vũ Minh Nguyệt sau này) và con (Minh) nhưng khi gửi bản thảo viết tay đến một tờ báo văn nghệ, nhân viên đánh máy đã gõ nhầm Sơn Nguyệt Minh thành Sương Nguyệt Minh. Ban đầu cũng thấy khó chịu, bực bội nhưng rồi đọc đi đọc lại, thấy bút danh này cũng có một âm hưởng là lạ, vậy là quyết định chọn theo… lỗi đánh máy. Tuy nhiên từ đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh không ít lần nhận được những lá thư của bạn đọc hâm mộ ghi ngoài phong bì: “Kính gửi bà Sương Nguyệt Minh”, “Yêu mến gửi em Sương Nguyệt Minh”, “Thân gửi chị Sương Nguyệt Minh”... 

Chờ dài cổ khi đi khám bệnh

Nhà văn Ma Văn Kháng đi khám bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị, sẵn có một bác sĩ quen biết ở đó, ông gọi điện trước để bác sĩ ưu tiên khám sớm. Vốn là người yêu văn chương và mến mộ tài năng của nhà văn, bác sĩ hồ hởi: “Em đã dặn nhân viên rồi ạ, anh cứ vào xưng tên là các cô ấy biết người nhà của bác sĩ H., sẽ xếp anh vào khám trước. Em đợi anh ở phòng khám đây ạ.” Vì đã “đặt gạch” trước, sáng hôm đó nhà văn ung dung vào viện mà không cần lấy số thứ tự. 

Nhưng gần đến trưa mới nghe gọi tên mình, nhà văn rã rượi bước vào phòng khám. Vừa gặp, bác sĩ sốt sắng hỏi: “Giờ anh mới đến ạ. Em cứ đợi anh suốt từ sáng”, nhà văn nhíu mày: “Tôi cũng ngồi ngoài kia đợi chú suốt từ sáng đến giờ mới được gọi”. Bác sĩ sửng sốt: “Sao lại thế ạ? Em đã dặn đi dặn lại các cô ấy là khi nào nhà văn Ma Văn Kháng đến thì đưa ngay vào cơ mà? Em còn mấy lần gọi điện ra ngoài đó hỏi nhà văn đến chưa, các cô bảo chưa thấy đến. Thế này là thế nào?...”. Nhà văn xua tay: “Thôi thôi, giờ chú cứ khám cho tôi đi đã”. Sau một hồi đo huyết áp, nhịp tim, nghe phổi, kiểm tra các chỉ số sức khỏe, bác sĩ lấy bút ghi kết luận vào sổ khám bệnh của nhà văn. Vừa giở cuốn sổ, bỗng dưng ông rũ người ra cười ngặt nghẽo: “Ôi trời ơi là trời. Sổ khám bệnh anh ghi tên thật là Đinh Trọng Đoàn, thảo nào các cô ấy cứ đợi Ma Văn Kháng đến để... ưu tiên mà mãi không thấy đâu cả”.

Không ai biết là ai

Những tháng cuối đời, nhà văn Tô Hoài bị ốm nặng phải vào nằm tại phòng điều trị đặc biệt của Bệnh viện Hữu nghị. Lúc vào viện, nhà văn không nói được, suốt ngày phải nằm truyền dịch và thở oxy. Các bác sĩ điều trị chỉ biết tên bệnh nhân nằm ở giường số 1 là Nguyễn Sen. Một buổi sáng chủ nhật, bệnh viện được thông báo là có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm nhà văn Tô Hoài. Tìm trong đống hồ sơ bệnh nhân không biết Tô Hoài nằm ở phòng nào, khoa nào mà giờ Chủ tịch nước đến thăm lại quá gần nên cán bộ, nhân viên của viện không kịp chuẩn bị đón tiếp. 

Đúng 8h15, Chủ tịch nước đến cổng viện, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã đến thăm trước đó nên vẫn nhớ số phòng, nhanh chóng đưa Chủ tịch Trương Tấn Sang đến đúng giường nhà văn Tô Hoài đang nằm. Thấy lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước đến tận giường bệnh, sờ trán, cầm tay, lại đội mũ len cho bệnh nhân Nguyễn Sen, các bác sĩ rất ngạc nhiên và tò mò hỏi nhau đó là ai mà được quan tâm đặc biệt như vậy. Nhận thấy những ánh mắt ngạc nhiên đó, nhà thơ Hữu Thỉnh liền giới thiệu: “Đây là nhà văn Tô Hoài, hôm nay Chủ tịch nước đã dành thời gian đến thăm và động viên ông”. Lúc này, từ Phó giám đốc bệnh viện đến các y tá mới ồ lên đầy ngưỡng mộ, hóa ra cả tháng nay mình trực tiếp điều trị cho tác giả “Dế Mèn phiêu lưu ký” mà không hề biết.