Hé lộ bí mật Đức Quốc xã

ANTĐ - Những thông tin chưa từng biết tới của chế độ Đức Quốc xã có thể được làm sáng tỏ hơn khi bất ngờ tìm thấy cuốn hồi ký thất lạc của một đối tượng có mối quan hệ thân cận với trùm độc tài phát xít Hitler.

Alfred Rosenberg trong phòng giam sau khi 
bị tòa án Nuremberg kết án tử hình

Reuters ngày 10-6 cho biết, chính phủ Mỹ vừa tìm thấy hơn 400 trang trong cuốn hồi ký bị thất lạc nhiều thập kỷ qua của Alfred Rosenberg, nhân vật thân cận của trùm độc tài phát xít Adolf Hitler. Hiện các chuyên gia Mỹ đang tiến hành phục hồi nội dung những trang nhật ký này. 

Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia thuộc Bảo tàng Tưởng niệm cuộc Đại thảm sát người Do Thái ở 

Washington (Mỹ), cuốn nhật ký là bức tranh khái quát cuộc đời hoạt động của Rosenberg trong khoảng thời gian từ mùa Xuân năm 1936 đến mùa Đông năm 1944. Những trang nhật ký tìm thấy đã ghi lại các cuộc làm việc của Rosenberg với trùm quốc xã Hitler cũng như các tên phát xít đầu sỏ khác như Heinrich Himmler, Herman Goering...

Những trang nhật ký tìm thấy chứa đựng nhiều thông tin quan trọng đối với công tác nghiên cứu, đặc biệt là cuộc tàn sát người Do Thái dưới thời Hitler. Chi tiết về cuộc tấn công Liên Xô; cuộc thảm sát hàng loạt người Do Thái và người Đông Âu; đấu đá và mâu thuẫn trong nội bộ giới chức cấp cao trong chính quyền Đức Quốc xã... được trông đợi sẽ trở nên sáng tỏ hơn qua cuốn nhật ký của Rosenberg.

Rosenberg là một trong những nhà lý luận đầu tiên và tiếng tăm nhất của chế độ phát xít Đức, đặc biệt trong lĩnh vực chủng tộc. Tên phát xít đầu sỏ này từng là Bộ trưởng Lãnh thổ miền Đông dưới thời Hitler, cũng như Tổng Biên tập tờ báo phát xít và điều hành Lực lượng Đặc nhiệm Reichsleiter Rosenberg, đơn vị chuyên thu giữ các tài sản tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật gốc Do Thái. 

Rosenberg bị bắt giữ khi Đức Quốc xã bại trận trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, bị toà án quốc tế 

Nuremberg kết tội có hành vi chống lại loài người và tuyên án treo cổ cùng hàng chục quan chức chóp bu dưới thời Hitler vào tháng 10-1946. 

Cuốn nhật ký của Rosenberg, từng được các công tố viên đưa ra làm bằng chứng kết tội các tên phát xít đầu sỏ tại toà án Nuremberg, song đã biến mất một cách bí ẩn sau khi phiên tòa này kết thúc. Giới chức Mỹ từng nghi ngờ ông Robert Kempner, là người Đức trốn sang Mỹ những năm 1930 và một trong những công tố viên tham gia phiên xét xử, đã đánh cắp và đưa cuốn nhật ký này về Mỹ.

Trong cuốn hồi ký xuất bản sau này, ông Kempner có trích dẫn các đoạn trong nhật ký của Rosenberg. Sau khi ông Kempner qua đời năm 1993 ở tuổi 93, giữa con và thư ký riêng trước đây của ông xảy ra tranh chấp về những kho tư liệu của ông Kempner, cuối cùng con của ông quyết định tặng toàn bộ số tài liệu này cho Bảo tàng Tưởng niệm cuộc Đại thảm sát người Do Thái.

Dù đã được tìm thấy sau gần 70 năm thất lạc song thông tin cụ thể  những trang nhật ký của Rosenberg vẫn đang trong vòng bí mật do chi tiết nội dung ghi chép trong đó chưa được chính phủ Mỹ cho phép công bố. Tuy nhiên, giới sử học thế giới hy vọng các tài liệu này sẽ cung cấp những thông tin quý giá, hé mở những sự thực chưa từng được biết đến về Chính quyền Đức Quốc xã, đặc biệt là cuộc đại thảm sát hàng triệu người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai.