Hé lộ 600 trang tài liệu ghi lại các cuộc đàm thoại giữa Tổng thống Mỹ Clinton với Tổng thống Nga Yeltsin

ANTD.VN - Thư viện Tổng thống Bill Clinton ở Arkansas vừa qua đã công khai nội dung của 600 trang tài liệu ghi lại tổng cộng 18 cuộc đối thoại cá nhân và 56 cuộc đàm thoại giữa ông Clinton và Boris Yeltsin - vị Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, trong khoảng thời gian từ tháng 1-1993 khi ông Clinton bước vào Nhà Trắng cho đến tháng 12-1999 khi ông Yeltsin từ chức. 

Các tài liệu này cho thấy, quan hệ Nga - Mỹ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh khá khăng khít, một phần là do chiến lược của Mỹ đối với Nga và một phần khác đến từ nhân vật đặc biệt mang tên  Boris Yeltsin.

Hé lộ 600 trang tài liệu ghi lại các cuộc đàm thoại giữa Tổng thống Mỹ Clinton với Tổng thống Nga Yeltsin ảnh 1Boris Yeltsin cho rằng Nga - Mỹ cần gặp gỡ bí mật để giải quyết vấn đề Kosovo

Nhờ Mỹ, ông Yeltsin thắng cử năm 1996

Các tài liệu mới công bố trên đều cho thấy mối quan hệ mà ông Bill Clinton thể hiện với ông Yeltsin là “quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng”, nhưng phần lớn là nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu và nhà lãnh đạo Nga thực hiện. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Yeltsin không đưa ra yêu cầu nào với người đồng cấp Mỹ.

Ngược lại, ông Yeltsin đã yêu cầu rất nhiều, từ việc Mỹ ủng hộ cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 1996 đến cam kết NATO không mở rộng sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ khi đó đã từ chối mọi thỏa thuận về việc mở rộng NATO và nói với ông Yeltsin rằng, ông phải thúc đẩy mở rộng NATO vì các vấn đề chính trị trong nước. Ông Bill Clinton cho biết, phe Cộng hòa đã sử dụng vấn đề này để giành được sự ủng hộ của người Mỹ gốc Đông Âu ở vùng Trung Tây.

Tháng 6-1996, ông Yeltsin hỏi vay tiền và các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris, nhóm các nước giàu chuyên cho vay để tái thiết đất nước, đã lập tức tái cơ cấu nợ cho Nga, đồng thời Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng thông qua khoản vay 10,2 tỷ USD cho Nga cuối năm đó. “Ông Bill Clinton, vì chiến dịch tranh cử của tôi, tôi khẩn thiết cần khoản vay 2,5 tỷ USD cho Nga. Tôi cần tiền để trả lương và lương hưu”, ông Boris Yeltsin nói. “Tôi sẽ kiểm tra vấn đề này với IMF và một số người bạn của chúng tôi để xem có thể làm được gì”, ông Clinton đáp lại.

Với sự hậu thuẫn về tài chính của Mỹ cùng một chiến dịch vận động có sự tư vấn từ Mỹ, ông Yeltsin đã chiến thắng trong cuộc bầu cử đó. Không chỉ riêng trong chiến dịch tranh cử, trong suốt nhiệm kỳ sau đó, Tổng thống Yeltsin đã nhận được 40 tỷ USD từ IMF và các tổ chức tài chính quốc tế khác để ủng hộ ông về mặt chính trị và giúp nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, phần lớn số tiền đó đã bị các nhân vật thân cận với Yeltsin chiếm đoạt và gửi vào các ngân hàng nước ngoài. Việc vay tiền từ IMF diễn ra trong khoảng thời gian ngắn trước khi nước Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ năm 1998, dường như đây là một âm mưu đã được tính toán kỹ  từ trước của Mỹ.

Năm 1998, cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị xuất hiện khi chính phủ của ông Yeltsin không thể trả nổi các khoản nợ, gây ra tình trạng hoảng loạn trên các thị trường tài chính và khiến đồng tiền tệ quốc gia, đồng rúp mất giá. 

Hé lộ 600 trang tài liệu ghi lại các cuộc đàm thoại giữa Tổng thống Mỹ Clinton với Tổng thống Nga Yeltsin ảnh 2Nữ hoàng Anh với Tổng thống Boris Yeltsin trong chuyến viếng thăm Nhà hát Bolshoi

Vị Tổng thống say xỉn

Cuộc khủng hoảng Kosovo năm 1999 khiến mối quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng, ông Yeltsin cho rằng Nga và Mỹ cần tổ chức một cuộc họp bí mật để giải quyết vấn đề này. “Tôi có thêm một lựa chọn nữa. Đó là hai chúng ta nên gặp nhau ở một nơi bí mật nào đó”, Tổng thống Nga Yeltsin điện đàm với người đồng cấp Mỹ. “Chà, đó có thể là trên một chiếc thuyền, tàu ngầm hay một hòn đảo nào đó, vì ở đó sẽ không có người nào làm phiền chúng ta, như thế cả ngài và tôi sẽ không bị bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì kích động”.

Thời điểm đó, báo chí đồn đoán hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức trên tàu ngầm. Ông Strobe Talbott, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, đã mô tả vụ việc này vào năm 2014. “Tổng thống Bill Clinton đã biết rõ về chứng nghiện rượu của ông Yeltsin”, ông Talbott nói với tờ Daily Beast. “Chúng tôi vẫn được lệnh chuẩn bị một cuộc gặp theo đúng nghĩa đen của câu mà ông Yeltsin nói cho dù đợi đến lúc ông Yeltsin tỉnh táo vẫn sẽ tốt hơn”.

Theo nhiều bản báo cáo, ông Yeltsin là người uống rượu nhiều. Hơn nữa, chứng nghiện rượu của ông đóng vai trò quan trọng trong những quyết định có tầm ảnh hưởng lớn đối với nước Nga và toàn thể thế giới.

Hé lộ 600 trang tài liệu ghi lại các cuộc đàm thoại giữa Tổng thống Mỹ Clinton với Tổng thống Nga Yeltsin ảnh 3Tổng thống Nga Boris Yeltsin chuyển giao quyền lực cho ông Vladimir Putin

Putin là tất cả những gì Boris Yeltsin làm được cho nước Nga

Trong một cuộc điện đàm vào ngày 8-9-1999 với ông chủ Nhà Trắng Bill Clinton, Tổng thống Yeltsin đã chia sẻ về ông Putin: “Tôi cho rằng cậu ta sẽ nhận được ủng hộ để giữ vị trí ứng cử viên trong năm 2000”. Tổng thống Yeltsin khi đó cũng thừa nhận với người đồng cấp Mỹ rằng ông đã dành rất nhiều thời gian để tìm ra ứng cử viên thích hợp. “Cuối cùng tôi đã gặp cậu ta, đó là Putin. Tôi đã nghiên cứu lý lịch, sở thích, các mối quan hệ… của cậu ta”, ông Yeltsin chia sẻ với người đồng cấp Mỹ. Tổng thống Yeltsin còn miêu tả ông Putin là “người đàn ông chắc chắn luôn nắm bắt chặt chẽ thông tin của nhiều lĩnh vực” đồng thời là nhân vật “mạnh mẽ, cẩn thận và quảng giao”.

Tiếp đó, ông Yeltsin nhận định với Tổng thống Bill Clinton: “Tôi đảm bảo ông sẽ nhận thấy cậu ta là đối tác có năng lực”. Trong một cuộc gặp mặt sau đó vào tháng 11-1999 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Clinton đã hỏi ông Yeltsin về nhân vật có thể giành chiến thắng cuộc bầu cử tại Nga. Khi này ông Yeltsin dự đoán: “Chắc chắn là ông Putin”. Ông Yeltsin cũng đánh giá ông Putin là một người cứng rắn, nguyện theo con đường hướng tới dân chủ, phát triển nền kinh tế và tạo các mối quan hệ mới. “Cậu ta có năng lượng và trí tuệ để thành công”, ông Yeltsin nhận xét khi đề cập đến ông Putin.

Dưới thời Yeltsin, nước Nga phá sản, yếu đuối và để cho Mỹ tận hưởng “khoảnh khắc đơn cực” mà giới học giả như Francis Fukuyama gọi là “dấu chấm hết của lịch sử”. Nhưng di sản của Yeltsin có lẽ không nằm ở đó. Trong nước cờ cuối cùng của mình, ông đã chọn được Putin - một người tiếp tục con đường lãnh đạo nước Nga. Putin là người mà sau này dưới thời cầm quyền của ông, bán đảo Crimea đã sáp nhập Nga, còn NATO thì chưa bao giờ cảm thấy sợ Matxcơva mở rộng tầm ảnh hưởng sang phía Tây, thậm chí xuống cả Trung Đông như lúc này.

Cuộc khủng hoảng Kosovo năm 1999 khiến mối quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng, ông Yeltsin cho rằng Nga và Mỹ cần tổ chức một cuộc họp bí mật để giải quyết vấn đề này.