Hãy thôi làm “từ thiện” kiểu này

ANTĐ - Việt Nam từ một nước thiếu đói trong thập niên 80, sau 2 năm trở lại thị trường xuất khẩu, nước ta đã nhanh chóng chiếm vị trí cường quốc thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và luôn nằm trong “tốp 3” suốt 1/4 thế kỷ qua. Thế nhưng danh xưng cường quốc thóc gạo thế giới này đối với người nông dân trực tiếp làm ra hạt gạo lại không hẳn là niềm tự hào mà là nỗi xót xa.

Một tấn gạo xuất bình quân khoảng 400 - 450 USD, mỗi năm mang về hơn 3 tỷ USD, nhưng người nông dân một nắng hai sương chẳng được lời lãi bao nhiêu. Thu nhập của những người làm ra kỳ tích cho nền nông nghiệp Việt Nam bấp bênh phụ thuộc vào giá cả thị trường mà những người quyết là những thương lái dù họ là tư thương hay công ty Nhà nước. Tuy  đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nhưng ở phía đầu ra, người nông dân lại không có quyền mặc cả, tất cả đều phụ thuộc vào thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu.

Các doanh nghiệp mua rẻ bán rẻ để rồi nước ngoài được lợi là điều mà người ta chua xót mà nói rằng “Việt Nam đang làm từ thiện cho nước ngoài”! Hay có thể nói là chúng ta đang có chính sách trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài, nếu cứ tiếp tục bán rẻ thóc gạo như hiện nay. Chưa kể, trong khi xuất khẩu gạo giá thấp, thì tại chính thị trường nội địa, người tiêu dùng Việt Nam luôn phải mua gạo với giá cao hơn. 

Lâu nay, Nhà nước đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa mà các ngành Nông nghiệp khác không có như chính sách hỗ trợ người trồng lúa như miễn giảm thuế đất, miễn giảm thủy lợi phí, thúc đẩy cơ giới hóa. Rồi như hỗ trợ mua tạm trữ lúa trong điều kiện khó tiêu thụ và giá lúa xuống thấp...

Tuy nhiên, thực tế người nông dân không được hưởng lợi gì từ những chính sách này, ví dụ như người dân trồng lúa ở ĐBSCL càng trồng lúa càng nghèo. Nguyên do vì diện tích đất đai ngày càng bị thu hẹp,  tính theo diện tích đất quá nhỏ của mỗi hộ sở hữu thì một năm người nông dân lời lãi chẳng bao nhiêu. Trong khi đó, mỗi doanh nghiệp bán mấy chục nghìn đến mấy trăm nghìn tấn gạo là đã kiếm được… vài triệu USD là thường! Các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam không chịu đầu tư để tìm kiếm thị trường gạo chất lượng cao mà chỉ nhắm vào những thị trường gạo đảm bảo an ninh lương thực chất lượng thấp, khi đấu thầu bao giờ cũng bỏ giá thấp để thắng thầu, bởi vậy không thể nào nâng cao giá bán trên thị trường. Doanh nghiệp kinh doanh mua bán gạo ép được nông dân bán giá thấp để rồi họ lại xuất khẩu với giá rẻ.

Vô hình trung tiền mà Việt Nam trợ cấp cho nông dân trong nước lại chuyển qua trợ cấp cho quốc gia nhập khẩu gạo. Nói cách khác, Việt Nam làm từ thiện cho nước ngoài trong khi nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt lúa xuất khẩu thì bị lỗ, không được hưởng lợi; còn đối tượng được hưởng lợi lại là doanh nghiệp và người tiêu dùng nước ngoài như Philippines, Malaysia, châu Phi..., đặc biệt, với việc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc là người hưởng lợi lớn nhất chính sách này, thay vì chính nông dân Việt Nam. Thu nhập của họ không những không được cải thiện như kỳ vọng, thậm chí còn bị giảm, do chi phí đầu vào ngày càng tăng, chưa kể nguy cơ đất trồng bị thoái hóa và ô nhiễm môi trường tăng cao.

Nên dừng ngay làm “từ thiện” kiểu này.