Hãy tha thứ cho nhau

ANTĐ - Thầy giáo bắt đầu bài giảng về sự tha thứ với một câu hỏi: “Khi một ai đó làm điều gì có lỗi với các em, điều đầu tiên các em làm sẽ là gì? Tức giận? La mắng? Làm to chuyện cho ra lẽ? Nói xấu hay đi kể các lỗi lầm của người đó cho tất cả bạn bè và người quen của họ?”. Cả lớp bàn tán sôi nổi về cách mình sẽ làm và hầu như đều nằm trong những đáp án thầy giáo đã đưa ra. 

Thầy giáo mỉm cười nói tiếp: “Đó là khi cơn giận đã chiếm lấy lý trí và những gì trong đầu các em lúc đó chỉ là lỗi lầm mà người đó gây ra. Thế nhưng, các em có bao giờ tự đặt câu hỏi, người ấy đã làm cho mình bao nhiêu điều tốt đẹp chưa?”. Cả lớp chợt lặng im để suy nghĩ và thầy lại nói tiếp: “Thầy đã từng được đến một bộ tộc ở châu Phi, khi có một ai đó phạm lỗi, người đó sẽ bị đưa ra giữa làng trong suốt 2 ngày. Không phải để xử phạt hay trừng trị mà chỉ để người đó nói lên những điều tốt mà họ đã làm được đối với dân làng. Bởi vì, những thành viên của bộ tộc luôn tin rằng, mỗi người khi sinh ra đều là một người tốt và không ai không mắc lỗi. Vì sự chân thành và trên hết là sự tha thứ chính là biện pháp để dân làng trừng trị một người có lỗi, giúp họ không tiếp tục mắc lỗi và sống tốt hơn”.

“Nếu mỗi ngày các em cho đứa bé một viên kẹo, thời gian đầu các em sẽ nhận lại sự biết ơn và thích thú từ đứa bé. Nhưng sau đó, đứa bé sẽ dần nghĩ rằng cho kẹo là nhiệm vụ, là điều đương nhiên các em phải làm mỗi ngày. Và khi các em dừng cho kẹo thì điều đọng lại trong ký ức đứa bé là những ngày mà các em không cho”.

“Tâm lý con người chúng ta cũng như đứa bé ấy. Những điều tốt ta luôn muốn nhận nhưng khi điều xấu đến, ta lại vô tình quên hết điều tốt. Hãy thử áp dụng cách mà bộ tộc kia làm với dân làng của họ, các em sẽ nhận ra, con người không ai hoàn hảo cả và người mắc lỗi vẫn xứng đáng nhận được tha thứ”.