Hay là... sống chung?

ANTĐ - Cho dù có yêu Hà Nội đến mấy, tôi cũng không thể bênh mãi được, nhất là khi thấy cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu phố không ra phố, làng không giống làng ở chốn gọi là phồn hoa đô hội này.

- Tôi chẳng yêu được như ông, vì tôi chỉ thấy Hà Nội đẹp, sạch, trầm mặc vào đúng một ngày trong năm, đó là sáng Mùng Một Tết, còn thì…

- Phố phường phải đông đúc mới có sức sống!

- Đồng ý, nhưng đã đông, đã chật hẹp mà nhiều nhà còn “thượng” cả cái bếp than tổ ong ra vỉa hè, rồi xào nấu, rửa ráy ở đó thì quá thể, rồi hàng bún chả khói bốc mù mịt, bún đậu mắm tôm với mùi dầu rán lưu cữu cộng mùi nước cống rãnh, nước thải xả vô tư… ông có yêu nổi?

- Thì… cũng tại cuộc sống khó khăn cả thôi, giá điện giá gas tăng thì bà con phải dùng bếp than tổ ong, lần hồi kiếm miếng qua ngày thì phải bám lấy cái vỉa hè, mẹt hàng rong chứ sung sướng gì.

- Nói kiểu của ông, nếu là cán bộ phường thì người ta gọi là mị dân đấy. Với lại cứ cái đà này, theo ông, ta “thả nổi” vỉa hè?

- Ông suy diễn đấy nhé, không có ai “thả nổi” cả, ông không thấy lực lượng chức năng các phường hàng ngày đều có đội quân đi xe ô tô trên các phố, thỉnh thoảng nhảy xuống “tóm” một chị hàng rong, thu vài cái ghế nhựa đấy à?

- Có thấy, nhiều là đằng khác, nhưng cứ như là “tập kích”, xe đi khỏi là đâu lại đóng đấy.

- Cố gắng hết mức rồi, nhiều phương án rồi, vẫn chưa đâu vào đâu, ông có giỏi đứng ra mà làm hay trình ra một phương án nào đó.

- Tôi có việc của tôi, chẳng qua thấy thành phố nhếch nhác quá, xót ruột mà nói, ông tự ái làm gì. Mà theo tôi ta nên sống chung với sự bẩn, hoặc nâng lên thành “nghệ thuật vỉa hè”.

- Cái gì?

- Các bếp than tổ ong, chuồng gà… trên vỉa hè cần được thiết kế có tính mỹ thuật, sắp xếp cho ra dáng “nghệ thuật sắp đặt”, rồi khách du lịch lại chả tròn mắt khen dân ta có khiếu thẩm mỹ (?!), hút khách phải biết.