Hãy cứu những đứa trẻ thoát khỏi bàn tay “quỷ” dâm dục

ANTĐ - Nếu như trẻ em gái thường bị cưỡng ép xâm hại thì trẻ em trai vì nhiều lý do khác nhau tự mình đưa mình vào thế bị xâm hại. Vậy đâu là giải pháp để bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục?

Hãy cứu những đứa trẻ thoát khỏi bàn tay “quỷ” dâm dục ảnh 1Đối tượng Hoàng Văn Lan, một thầy bói dạo đã nhiều lần xâm hại trẻ em nam


Luật chưa theo kịp

Thực tế trẻ em nam bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều hơn. Nếu như trẻ em gái bị xâm hại thì việc sử dụng chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội sẽ dễ dàng hơn. Đối với trẻ em nam, hành vi xâm hại tình dục thường là hành vi dâm ô, song việc chứng minh hành vi dâm ô là rất khó vì chưa có định nghĩa cụ thể.

Theo luật sư Tạ Ngọc Vân - Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, việc định nghĩa “hành vi giao cấu” theo nghĩa hẹp đã dẫn tới việc bỏ lọt nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội liên quan đến xâm phạm danh dự nhân phẩm. Thực tế cho thấy, như trong một vụ việc xảy ra vào tháng 7-2014 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, một thầy bói dạo đã thực hiện hành vi dâm ô với 7 bé trai trong thời gian dài. Tuy nhiên khi xử lý Hoàng Văn Lan - gã thầy bói dâm ô, cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Chỉ đến khi tìm thấy 6 nạn nhân khác, Hoàng Văn Lan mới bị khởi tố và đưa ra tòa về hành vi dâm ô với trẻ em.

Thực tế cho thấy nguy cơ bị xâm hại tình dục đặt ra đối với trẻ em nam hiện cũng không hề ít hơn so với trẻ em gái, song pháp luật hiện hành lại chưa rõ ràng khi quy định về nạn nhân của loại tội phạm này, do đó các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng mặc định nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em gái mà chưa mở rộng đến trẻ em trai. Do vậy cần thiết sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục bao gồm cả trẻ em nam để có khung pháp lý cụ thể xử lý hành vi phạm tội, bảo vệ cho nhóm đối tượng là trẻ em nam. 

Kỹ năng sống - yếu tố quan trọng trong phòng ngừa 

Theo TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện CSND, thì trẻ em nam bị xâm hại phần lớn là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lang thang, trẻ em sống trong môi trường không thuận lợi, bố mẹ thường xuyên vắng nhà, sống ở địa bàn nhiều sông nước... nơi có đông người lao động từ địa phương khác tới làm ăn sinh sống, môi trường xung quanh phức tạp với nhiều tệ nạn xã hội. Do đó, việc giáo dục kỹ năng sống cho những đứa trẻ này có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Bản chất của việc làm này là tạo năng lực tâm lý xã hội cho lớp trẻ, chủ yếu nhằm giúp các em phát huy nội lực với những kỹ năng hành động cụ thể để tự bảo vệ mình và ứng phó với hoàn cảnh bất lợi.

Qua tiếp xúc với những đứa trẻ từng bị lạm dụng hoặc xâm hại tình dục, cho thấy đa số các đối tượng thường chọn các em trong độ tuổi từ 13-15. Đây là giai đoạn các em có sự trưởng thành nhất định về mặt thể chất và sinh lý nhưng lại chưa có ý thức bảo vệ bản thân như nhận thức về tình cảm, sinh lý còn nhiều hạn chế. Do đó để bảo vệ các em khỏi nguy cơ xâm hại, việc giáo dục kỹ năng sống với những nhận thức và cách giải quyết tình huống cụ thể một cách sinh động, không gượng ép, áp đặt sẽ khiến các em rút ra những bài học cho riêng mình.

Nâng cao giải pháp mang tính xã hội

Thạc sỹ Trần Thị Lịch, Tòa dân sự, TAND tối cao cho rằng, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nam trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều dấu hiệu gia tăng. Để ngăn chặn tình trạng này, theo Thạc sỹ Trần Thị Lịch cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như Luật Hình sự, hôn nhân gia đình, pháp luật về chăm sóc, giáo dục bảo vệ trẻ em và pháp luật về phòng chống xâm hại tình dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý cho trẻ em nam. Trong trường hợp bị xâm hại tình dục phải trình báo ngay cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để hỗ trợ tư vấn, giải quyết. 

“Cơ quan công an nên thường xuyên kiểm tra các cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với mọi hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy” - Thạc sỹ Trần Thị Lịch đề nghị. Các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em phải được xét xử nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tổ chức tốt các phiên tòa lưu động đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nhưng phải đảm bảo thuần phong mỹ tục.

Theo Trung tá Khổng Ngọc Quang, cán bộ phòng 6, Cục CSHS, Bộ Công an, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ vào việc tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh lên án những hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, cần có chính sách pháp luật cụ thể về công tác phòng ngừa tội phạm, quy định rõ trách nhiệm của  các cấp các ngành trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm tư vấn, hỗ trợ trẻ em đường phố để giúp trẻ em nam sớm phải xa gia đình đi kiếm sống, trẻ em lang thang tránh được các nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động xâm hại tình dục. Các trung tâm này cũng cần phát huy vai trò trong việc hướng nghiệp, tạo việc làm giúp trẻ em lang thang tự nuôi sống được bản thân, cũng như giúp chúng tái hòa nhập cộng đồng sau khi bị xâm hại để không rơi vào vòng luẩn quẩn, tiếp tục trở thành những kẻ môi giới hay trực tiếp xâm hại tình dục trẻ em khi đã trưởng thành.