Hãy chăm sóc mẹ - Cuốn sách cảm động và ám ảnh về tình mẫu tử

ANTD.VN -Cuốn sách mà tôi quyết định mua khi mới chỉ đọc qua vài trang, một cuốn sách đã dạy cho tôi nhiều bài học. Cuốn sách đó mang tên "Hãy chăm sóc mẹ".

Đối với tôi, việc đi lang thang trong nhà sách là một món quà tuyệt vời mà mẹ dành cho tôi mỗi khi tôi đạt được thành tích nào đó. Cứ mỗi lần đi, tôi lại phải kiềm chế mình để không vớ bất kì quyển nào trên giá sách mà trông có vẻ thú vị.

Nhưng có một cuốn sách khiến tôi phải mua ngay tắp lự, một cuốn sách mà tôi quyết định mua khi mới chỉ đọc qua vài trang, một cuốn sách đã dạy cho tôi nhiều bài học. Cuốn sách đó mang tên Hãy chăm sóc mẹ.

Hãy chăm sóc mẹ là một cuốn sách cảm động về tình mẫu tử, gây ám ảnh cho người đọc và được viết bởi nữ nhà văn Shin Kyung Sook. Chuyện kể về bà Park So-nyo –một người phụ nữ chịu thương chịu khó và yêu thương chồng con hết mực – không may bị lạc ở nhà ga tàu điện ngầm Seol khiến cả nhà phải lo lắng đi tìm.

Trong thời gian truy tìm tung tích của bà, mỗi người trong gia đình đều hồi tưởng lại những kỉ niệm của họ với bà và tử hỏi rằng mình có xứng với những gì bà đã hi sinh để làm cho mình chưa. Và họ nhận ra rằng, họ không hiểu gì về người mẹ, người vợ Park So-nyo của mình. Điều đó khiến họ cảm thấy day dứt và xấu hổ.

Đầu tiên là Yun Chi-hon, một nữ nhà văn ngoài ba mươi nhưng vẫn chưa lập gia đình, là con gái thứ hai và cũng là người tỏ ra tích cực nhất trong công cuộc tìm kiếm bà. Cô thấy hối hận khi nhớ lại những lần cô tỏ thái độ với người mẹ ốm yếu, bệnh tật của cô.

Chương Hai nói về cảm xúc của Yun Hyung-chol, con trai cả của bà So-nyo. Anh là người con mà bà thương yêu nhất vì đã từ chối sự chăm sóc của tình nhân của cha anh khi còn bé. Anh hồi tưởng lại những ước mơ của mình hồi trẻ và sự thất vọng của mẹ khi anh không thực hiện được ước mơ đó.

Tiếp theo là ông Yun, chồng bà So-nyo, người đã lấy bà không phải vì tình yêu, người đã nhiều lần rời nhà ra đi, bỏ bà lại với những đứa con của mình.

Quan hệ của ông với bà So-nyo không được mấy suôn sẻ nên khi bà mất tích, ông cảm thấy day dứt vô cùng vì đã không đối xử tốt hơn với bà. Ngoài ra còn nhiều phần nữa, phần nào cũng gây ám ảnh và lấy đi bao nước mắt của người đọc.

Cuốn sách đã khiến tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Mỗi lần cầm cuốn sách lên là tôi không sao rời mắt ra được. Kể cả khi mắt tôi đã trở nên mỏi nhừ còn các chữ cái bắt đầu nhảy múa trước mặt tôi, tôi vẫn tự nhủ: “nốt trang này thôi!” và tiếp tục đọc.

Thái An (học sinh lớp 9A - trường Tiểu học và THCS Pascal) với tác phẩm: Hãy chăm sóc mẹ

Bởi cuốn sách có một sức hấp dẫn lớn không thể cưỡng lại được, sức hấp dẫn đó khiến mắt người đọc dính chặt vào trang giấy. Đặc biệt là những câu độc thoại nội tâm của nhân vật – những câu văn thu hút sự chú ý của người đọc và lấy đi của họ bao nước mắt.

Nội dung cảm động, cách hành văn của tác giả đã làm nên sự nổi tiếng của cuốn sách này, khiến cuốn sách không chỉ bán được hàng triệu bản mà còn được đánh giá cao bởi các nhà phê bình nổi tiếng, được dựng phim và xuất bản tại 19 nước. Nhưng điều khiến người đọc yêu thích nhất ở cuốn sách này là khi họ đọc sách, họ có thể thấy bóng dáng mẹ mình trong từng trang giấy. Và tôi cũng vậy.

Tôi nghĩ đến mẹ tôi. Chuyện hôn nhân của mẹ, chuyện ở cơ quan… đã quá đủ để làm mẹ bận rộn nhưng mẹ vẫn cố gắng dành thời gian chăm sóc tôi. Mẹ chơi với tôi, mẹ giúp tôi làm bài tập.

Trong bữa ăn, mẹ luôn nhường cho tôi phần hơn. Mẹ luôn dành cho tôi những điều tốt đẹp. Và tôi đã làm gì để đền đáp công ơn của mẹ? Ngoài việc làm mẹ cáu gắt, buồn bực ra?

Tôi nhận thấy rằng, tôi chẳng làm được gì đáng kể cho mẹ cả. Mẹ ơi! Không những không làm được gì cho mẹ, con còn làm trái với những gì mẹ mong muốn, kì vọng ở con.

Con khiến mẹ phải mệt mỏi trước kết quả học tập càng ngày càng kém đi của con. Con thấy sự thất vọng tỏ rõ trong mắt mẹ. Đã bao lần con hứa với mẹ là lần sau sẽ làm bài tốt hơn? Con cảm thấy xấu hổ vì những gì mình đã làm sau tất cả những gì mẹ đã làm cho con.

“Hãy chăm sóc mẹ khi còn có thể”- đó chính là thông điệp mà cuốn sách truyền tải tới người đọc. Mẹ đã vì chúng ta mà hi sinh rất nhiều. Chúng ta đã làm được gì để đền đáp công ơn của mẹ? Chúng ta có hiểu mẹ không? Hẳn sau khi đọc cuốn sách này, ai cũng phải tự nhìn lại cách đối xử của mình với mẹ.