"Hậu trường" rùng mình của các quán hàng bình dân

ANTĐ - Ở phần trước, Báo ANTĐ điện tử đã gửi tới độc giả hiện tượng "tái chế" đồ ăn thừa đang diễn ra phổ biến tại các hàng quán bình dân. Mời độc giả cùng theo dõi thêm những vấn nạn "ăn bẩn" và "ăn giả" đang hoành hành ở nhiều quán.

Ăn bẩn đến rùng mình

Không bàn tới nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm bẩn len vào các nhà hàng vốn đã được báo chí nói quá nhiều trong suốt thời gian qua, phạm vi bài viết này đề cập tới một “khía cạnh” bẩn khác: Bát đũa phục vụ tại các quán ăn!

Thực khách bước chân vào những hàng ăn bình dân luôn có thói quen rút giấy ăn ra lau đũa, lau thìa, coi như đó là “thủ tục” để tự an lòng về mức độ vệ sinh của những đồ dùng này. Thực tế thì những tờ giấy ăn nay cũng rất bẩn. Còn nếu chứng kiến màn rửa bát đũa tại quán bình dân vỉa hè thì chắc chắn nhiều người sẽ phải rùng mình khiếp sợ, mặc cho món ăn có ngon lành tới đâu.

Quán bún/phở ngan trong phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) mở từ tối tới khoảng 11 giờ đêm. Lượng khách của quán luôn đông đúc, nhờ cách chế biến món khá ngon, giá hợp lý. Điều đáng nói là nhân viên rửa bát của quán ngồi “tác nghiệp” ngay bên cạnh dãy bàn dành cho khách, khiến ai để ý cũng phải giật mình.

Không khó để quan sát cách rửa bát bẩn "bá đạo" của các nhân viên phục vụ tại quán bình dân

Đống bát đũa dùng rồi xếp thành đống cao ngất, bên cạnh 1 chậu nhỏ có chút bọt xà phòng, trong đó nổi lên những váng mỡ lềnh phềnh, cũng các sợi hành, rau lều bều. Kế đó là một thùng sơn đựng nước tới lưng thùng.

Và nhân viên rửa bát làm thao tác rất đơn giản: Lấy bát, đũa, thìa bẩn cho vào chiếc chậu nhỏ đã qua cả trăm lượt bát đũa bẩn trước đó, ngoáy 2 cái, rồi vục vào thùng sơn đựng nước ở cạnh, vậy là xong! Chiếc bát hay đũa, thìa bẩn đã được… rửa sạch, và xếp thành đống để các nhân viên khác ra bưng vào sử dụng cho những lượt khách mới.

Cũng dễ hiểu tại sao quán lại “tiết kiệm” khi gần như không thay nước mới trong suốt 30 phút rửa nhiều lượt bát đũa đến vậy, bởi với vị trí bán hàng gá vào bức tường công cộng, nước là một trong những “của hiếm” đối với họ, và mỗi thùng nước xách ra đều không hề đơn giản.

Thậm chí, kinh khủng hơn, hàng bánh cuốn khá hút khách nằm trong khu chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) còn có chiêu rửa bát đũa “bá đạo” hơn nữa. Hàng này chỉ có duy nhất một chị vừa một tay liên tục tráng bánh, vừa phục vụ khách ăn. Do tráng bánh cuốn chiếm mất gần hết thời gian, chị bán hàng rửa bát theo cách không thể nhanh hơn: Khách vừa ăn xong, chiếc đĩa đựng bánh cuốn được chị dùng một chiếc khăn khô lau một lượt – thế là… sạch, xếp vào chồng đĩa để phục vụ tiếp, còn chiếc đũa và bát nước chấm, chị đổ phần nước chấm thừa ra một chậu riêng, rồi nhúng cả đũa và bát vào một chậu nước đục không hề có xà phòng bên cạnh, đưa lên và lấy khăn lau khô – vậy là xong hoàn toàn! Không cần nước rửa bát, không cần khăn rửa, chỉ nhúng và lau bằng chiếc khăn khô đã qua cả vài chục lượt lau trước đó là chị đã có bát, đĩa và đũa “sạch” để phục vụ các khách hàng khác.

Những hình ảnh "hậu trường" của các hàng quán bình dân khiến thực khách phát sợ nếu chứng kiến

“Chủ quán không quan tâm chuyện bát đũa sạch bẩn thế nào đâu. Cái mà người ta cần là trong khoảng thời gian đó, em rửa được bao nhiêu bát đũa, càng nhiều, càng nhanh thì càng tốt, thế thôi!”, một em gái rửa bát cho quán cơm bình dân ở phường Bách Khoa thật thà kể.

Ở những trường hợp nói trên, việc rửa bát siêu “bát nháo” còn được công khai, trong khi ở hầu hết các hàng ăn bình dân khác, công việc này diễn ra âm thầm ở khu bếp phía sau, càng khiến khách hàng dễ bỏ qua vì khuất mắt trông coi.

Như hàng phở bò – cơm rang trên mặt phố Trần Đại Nghĩa (ngay gần ký túc xá của trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã đề cập ở trên, với lý do đi vào khu bếp rửa tay, PV đã được chứng kiến tận mắt hình ảnh mất vệ sinh đáng sợ: khu bếp cáu bẩn, rêu xanh bám từ bồn nước tới sàn, các chồng bát đũa dùng rồi xếp ngổn ngang trên sàn nhầy nhụa nước và rêu, bên cạnh những chậu rửa lềnh phềnh mỡ, hành, ruồi bu kín; cạnh đó là một thùng phuy chứa dưa muối, để gần một rổ to đựng cơm để rang cho khách.

Và thường xuyên “ăn giả”

Những bà nội trợ thông thái khi ra hàng bún riêu, phở có món thịt bò tái (chần) hẳn sẽ phải băn khoăn: Tại sao giá thịt bò loại “chần được” ngoài chợ cóc là 25.000 đồng - 30.000 đồng/lạng, ứng với vài miếng khi thái ra, mà ở ngoài hàng, một bát 25.000 đồng được cho nhiều thịt bò thế? Còn bao nguyên liệu khác nữa, vậy họ được lãi bao nhiêu khi bán cho khách?

Chị Bích Thảo (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Sau một thời gian ra hàng, giờ mình không dám ăn bò tái nữa. Vì nếu để ý, bò ngon thì khi tái phải thơm, ngọt. Trong khi hầu hết các hàng bình dân đều dùng loại thịt không rõ mùi bò, thậm chí ngửi như mùi thịt lợn vậy. Nên khi ăn tái thì rất sợ”.

Nếu "tinh" miệng, khách hàng sẽ dễ nhận ra thịt bò tái ngoài quán thường không thơm và kém ngọt, so với thịt bò "chuẩn" mua về nhà

Trước đó, nhiều tờ báo đã chỉ ra thực tế đáng sợ chứng minh cho nạn dùng “đồ giả” trong quán ăn, là các loại thịt trâu nhập khẩu kém chất lượng bị tuồn ra thị trường để làm “giả bò”, hoặc các lái buôn tìm mua thịt lợn nái (lợn sề) rồi về “điều chế” để ra thịt bò hay thậm chí là các loại thịt đặc sản như nhím, nai…

Bác Nguyễn Thị Sơn (Bắc Bình, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) không quên câu chuyện của những tay lái buôn thịt tìm về các làng quê để lấy mối thịt mang xuống Hà Nội tiêu thụ.

“Ban đầu, khi cậu lái buôn về hỏi mua lợn nái, mọi người ở làng không tin, tưởng đùa. Vì lợn nái thì thịt hôi, lại dai, giá rẻ, cái giống ấy ai mua nhiều làm gì. Nhưng cậu lái buôn cười ha hả, bảo “các cô có tin là cái giả vả chết cái thật không? Bọn cháu mang thịt này về Hà Nội là thành bò xịn hết!” Nghĩ mà sợ”, bác Sơn kể lại.

*****

Rõ ràng không khó để mỗi người tự nhận ra tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng ở các hàng quán bình dân phổ biến khắp Hà Nội. Nhưng các chủ quán vẫn điềm nhiên coi đó là bình thường, trong khi thực khách thì giữ tâm lý “khuất mắt trông coi” hay “sạch quá cũng… chết” (?).

Nếu bản thân người tiêu dùng không có tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho chính mình thì đến bao giờ, chất lượng hàng quán bình dân mới được cải thiện? Và như vậy, mọi người tự chấp nhận “hạ thấp” chất lượng cuộc sống của mình mà phó mặc cho… khách quan?